Ta có thể tin tưởng vào thông số kỹ thuật của một máy nén kín còn nút cao su hoặc còn trong hộp xốp. Nhưng khi có một máy đã cũ, làm thế nào để xác định chất lượng của máy và cần kiểm tra xác định những chi tiết gì ? Chủ yếu cần kiểm tra về phần cơ và phần điện.

Phương pháp kiểm tra các thông số

Về phần cơ, chỉ tiêu cơ bản của lốc là năng suất hút. Có thể đo năng suất hút bằng một thiết bị đơn giản (hình dưới) gồm van chặn, bình chứa có áp kế và một van tiết lưu nối với lưu lượng kế. Cách đo, nối lốc vào thiết bị, mở van chặn, đóng van tiết lưu và cho lốc chạy. Khi áp suất trong bình chứa đạt 7at, từ từ mở van tiết lưu sao cho áp suất trong bình chứa không thay đổi. Khi hệ thống ổn định, đọc lưu lượng kế ta có thể xác định được năng suất hút của lốc. 


Sơ đồ kiểm tra năng suất hút

Có thể lắp lưu lượng kế trên đoạn ống nối giữa lốc và bình chứa. So sánh với năng suất lí thuyết, nếu năng suất hút lí thuyết là Vlt, năng suất hút thực tế đo được Vtt, ta có: λ = Vtt / Vlt
Nếu λ = 0.65 – 0.8, máy nén còn tốt.
Nếu λ = 0.5 – 0.65, máy nén còn tương đối, khi càng nhỏ thì máy nén càng yếu.

Vlt có thể tính qua kích thước hình học của máy như sau: Vlt = (πd^2/4).s.z.n

Trong đó:  d: Đường kính piston
                  s: Hành trình piston
                  z: Số xilanh
                  n: Tốc độ vòng quay trục khuỷu

Cũng có thể đánh giá gián tiếp năng suất hút máy nén qua việc kiểm tra:

                 - Áp suất hút, áp suất đẩy.
                 - Độ kín clapê hút và clapê đẩy.

Theo sơ đồ thử nghiệm (hình bên dưới). Sau khi lắp ráp như hình, hàn áp kế trực tiếp lên ống đẩy. Có thể dùng bộ nạp hai áp kế, lắp áp kế HI (cao áp) vào đầu đẩy. Cho lốc chạy, triệt tiêu các chỗ xì hở phía đẩy rối quan sát đồng hồ. Kim áp kế xuất phát từ 0, lúc đầu quay với tốc độ nhanh, sau chậm dần và cuối cùng dừng hẳn.

Khi kim dừng, đọc giá trị A đạt được. A càng lớn, tình trạng máy càng tốt.


Sơ đồ kiểm tra áp suất đẩy

Nếu A <= 17at (250 PSI), thì máy nén đã quá yếu.
Nếu A đạt từ 21at đến 32at (300PSI – 450 PSI), là máy còn dùng được, nếu A đạt cao hơn thì máy còn rất tốt. Để đánh giá tình trạng clapê đẩy, ta dừng máy nén và quan sát kim áp kế.
                Nếu kim đứng im tại A: clapê đẩy kín.
                               kim quay từ từ về 0: clapê đẩy đóng muội.
                               kim quay từ từ về một giá trị nào đó rồi quay nhanh về 0: clapê đẩy bị cong vênh.
                               kim quay nhanh về 0: clapê đẩy bị vênh, hở, rỗ.

         Để kiểm tra áp suất hút và độ kín clapê hút ta có thể làm tương tự nhưng phải dùng chân không kế và hàn vào đầu hút của lốc, đầu nạp phải hàn kín, đầu đẩy để tự do trong không khí. Sau đó cho máy chạy và quan sát đồng hồ. Nếu kim đạt đến độ chân không cao – 760mmHg ta có thể đánh giá khả năng hút chân không của máy còn rất tốt. Nếu clapê hút và đẩy hở, không thể đạt được độ chân không cao, khi dừng máy nén kim không quay về 0 là các clapê còn tốt. Nếu kim quay nhanh về 0, clapê hút và đẩy đầu hở.

         Ta có thể kiểm tra sự hoàn thiện của trục khuỷu và các lắp ghép của máy nén bằng cách cho động cơ máy nén khởi động ở các tình trạng khác nhau.

         Cho máy nén chạy thật nóng (30 phút hoặc hơn) sau đó tăng áp suất đầu đẩy đến khoảng 14at (200PSI), cho dừng máy nén, giữ nguyên áp suất và cho khởi động lại, máy nén phải khởi động lại được ngay, nếu không khởi động được có thể do bị trục trặc về điện hoặc về cơ. Riêng về cơ, gối trục có thể bị mòn hoặc trục cơ bị vênh, chỉ bổ lốc ra mới có thể xác định được chính xác.

         Về phần điện, động cơ lắp trong tủ lạnh phần lớn là loại động cơ một pha có hai cuộn dây làm việc và khởi động. Một số tủ lạnh thương nghiệp và máy điều hòa nhiệt độ lớn dùng động cơ không đồng bộ ba pha. Một số yêu cầu chính đối với động cơ máy nén kín.

         - Thông mạch của các cuộn dây: kiểm tra bằng các thiết bị đo điện có phần đo điện trở.
         - Đảm bảo độ cách điện giữa vỏ và các cuộn dây, cũng như giữa các pha, kiểm tra bằng MegaOhm (500V hoặc 250V), độ cách điện phải đạt >=  5MW.

Một số hư hỏng và cách khắc phục.

          Sau khi kiểm tra các thông số của máy nén ta có thể đánh giá được chất lượng sơ bộ của máy và quyết định hướng sửa chữa phù hợp.

Nếu chỉ phát hiện thấy máy nén yếu, có thể khắc phục bằng cách thay dầu đặc hơn, nhưng nhất thiết phải là dầu cùng loại. Sau khi thay dầu, thử nghiệm lại áp suất đầu đẩy, nếu đạt được áp suất yêu cầu thì không phải sửa tiếp.

Trường hợp phát hiện ra hỏng hóc về điện như cháy cuộn dây, đứt dây, chập vòng dây, hoặc về cơ không khởi động được, clapê bị kênh, … nén quá yếu đều phải bổ lốc để xác định chính xác hỏng hóc và tiến hành khắc phục.

- Bổ lốc, dùng cưa sắt, đối với lốc hình trụ có thể dùng máy tiện để cắt vỏ lốc làm hai. Trước khi bổ phải tháo hết dầu qua đường hút. Có thể bổ ở nhiều vị trí khác nhau tùy theo cấu tạo từng loại, nhưng thuận tiện nhất là bổ theo đường hàn của lốc.
- Kiểm tra phần điện.
- Kiểm tra clapê hút và đẩy bằng cách tháo ra và quan sát bằng mắt thường, phát hiện các trục trặc, làm sạch hoặc thay mới nếu cần. Không nên mài mỏng lá van và đổi chiều vì như vậy có thể làm thay đổi chế độ làm việc của clapê và làm clapê mau gãy.
- Kiểm tra độ “rơ” của các mối lắp ghép như tay biên và chốt piston, tay biên trục khuỷu, các ổ đỡ trục khuỷu, piston và xilanh.
- Kiểm tra dầu, lưới lọc dầu và làm sạch cặn bẩn trong máy nén.

Hướng dẫn nạp dầu cho block nén

Dầu bôi trơn trong lốc có hai nhiệm vụ chính:

- Bôi trơn các bề mặt ma sát giữa các chi tiết chuyển động.
- Làm mát máy nén và động cơ bằng cách tải nhiệt bên trong từ các bề mặt ma sát truyền ra vỏ lốc để thải ra không khí.

Yêu cầu nạp dầu cho lốc phải:

- Đúng chủng loại dầu, dầu có độ nhớt thích hợp.
- Dầu phải tinh khiết, không lẫn căn bẩn và hơi nước.
- Lượng dầu phải vừa đủ, nếu thiếu ảnh hưởng đến quá trình bôi trơn, nếu thừa dầu dễ bị sủi bọt và bị hút vào xilanh làm cho máy nén làm việc nặng nề, các giàn trao đổi nhiệt dễ bị ngập dầu sẽ giảm khả năng trao đổi nhiệt.
- Không pha trộn dầu các loại nhất là khi nạp bổ sung, vì như vậy dầu dễ bị biến chất, tạo cặn.

Lượng dầu nạp vào lốc có thể tra theo bảng hoặc có thể lấy theo kinh nghiệm. Đối với các lốc mới bổ lần đầu, đo lượng dầu khi đổ ra, nạp lại lượng dầu đúng bằng lượng dầu đã đổ ra cộng thêm 1/5 số đó, sau đó chạy thử một số lần, lấy tay bịt chặt dầu xả và tỉnh thoảng xì hơi nén lên một tấm kính, nếu thấy các hạt dầu nhỏ bám lên kính thì lượng dầu nạp đã đủ, nếu thấy có các hạt dầu lớn thì cần phải rút bớt dầu ra.

Chúc các bạn thành công!

Facebook Google twitter
Từ khóa:
Cùng Chuyên Mục
Blogger Comments
Facebook Comments

Tin Tức Online
Xem Thêm Tất Cả »
Góc Chia Sẻ
Xem Thêm Tất Cả »
Game - Ứng Dụng Hay Tháng 8
Xem Thêm Tất Cả »
Góc Thư Giản
Xem Thêm Tất Cả »
Bài Viết Ngẫu Nhiên
Copyright © 2016 - All Rights Reserved
Template by Bùi Đạt - Powered by Blogger | SiteMap