Phương pháp kiểm tra tình trạng hoạt động sau bảo dưỡng, sửa chữa đối với tủ lạnh gia đình

            Sau bảo dưỡng và sửa chữa đối với tủ lạnh dân dụng, cần kiểm tra một số chỉ tiêu và thông số làm việc của thiết bị như sau (trước bảo dưỡng, sửa chữa nên có sự thỏa thuận giữa người có thiết bị và cửa hàng sửa chữa).



1. Thay block nén

- Có kích thước tương đương với lốc cũ, lắp đẹp, chắc.
- Khi chạy không rung và không có tiếng ồn lớn.
- Có công suất tương đương (có điện áp và dòng làm việc tương đương lốc cũ).
- Có chất lượng tốt (nén lên được trên 300Psi là được, còn trên 450Psi là tốt – Psi là đơn vị đo áp suất 1Psi = 0.07 at)
- Điện không bị rò ra vỏ (để lốc nén lên bàn gỗ khô rồi chạm phía lưng bàn tay vào không bị tê tay là được. nếu dí bút điện thấy đỏ, nhưng sờ tay vào bút hết đỏ mà không tê là do cảm ứng, vẫn dùng tốt).
- Rơ le khởi động – bảo vệ lắp đồng bộ, nếu không đồng bộ thì phải lắp gọn, đẹp và có đặc tính dòng điện tương đương rơ le cũ.
- Khi chạy thử không tải phải đạt nhiệt độ tương đương trước đây. Ví dụ. Tủ 1 cánh cửa thì nhiệt độ làm lạnh (trong khoảng không của dàn làm đá) đối với tủ 1 sao (*) là -6oC. Đối với tủ 2 sao (**) là -12oC và 3 sao là -18oC. Còn nhiệt độ ở trung tâm buồng lạnh dưới khoảng +5oC (các chỉ tiêu nhiệt độ trên phải đạt được sau 3 giờ chạy liên tục và trong tủ không có hàng hóa gì cả).
   Đối với tủ 3 cánh cửa hoặc hơn thì phải theo catalogue để xác định nhiệt độ từng buồng mà thử.
- Thử khởi động ở điện áp lớn hơn và bé hơn 10% so với định mức ghi trên máy. Thử ít nhất 5 lần, mỗi lần cách nhau 5 phút. Cả 5 lần máy đều phải chạy tốt ngay là được.
- Thử role bảo vệ quá tải (Thermic). Máy đang chạy ta tắt công tắc khoảng 2 giây rồi lại bật lên, thường là máy không chạy được và sau 5 – 30 giây role phải ngắt điện cho lốc là role tốt. Sau đó tối đa 2 – 3 phút phải tự đóng lại. Nếu quá 30 giây vẫn không ngắt hoặc ngắt mà không đóng lại thì phải thay rơ le. Thực tế có một số lốc cứ có điện là chạy ngay mà không cần có sự cân bằng áp suất ga. Đối với trường hợp này nếu thử như trên sẽ không được mà buộc phải đóng cưỡng bức tiếp điểm khởi động của role mới thử được.
- Cặp ampe kìm đo dòng làm việc của lốc dòng điện phải ổn định và không vượt định mức quá 15% là được.
- Sờ tay vào vỏ lốc có thể nóng rát tay nhưng không thể nóng đến mức có mùi khét sơn hoặc nhỏ một giọt nước vào là sôi ngay.
- Nếu lốc có thêm tụ khởi động thì phải kiểm tra xem tụ có bị méo, phồng và bị rò điển ra không. Dùng đồng hồ đo điện trở để đo thì kim phải vọt lên rồi từ từ về số 0 là tụ tốt.

2. Thay hoặc sửa chữa lại role khởi động


- Nhìn bề ngoài phải nguyên vẹn, không nứt vỡ và sạch sẽ.
- Nếu là đồ “zin” thì phải lắp khít vào vị trí cũ, nếu loại khác tương đương thì phải được lắp chắc chắn, gọn gang.
- Role loại có cụm hút thì nhìn thấy cụm hút vẫn còn màu vàng đẹp (không bị cháy sém đen).
- Cắm điện chạy thử tủ phải tốt, role đóng, cắt nhanh, gọn, không có tiếng kêu rẹt rẹt. Điện khỏe hoặc yếu trong phạm vi 10% so với định mức rơ le vẫn làm việc tốt là được.

3. Thay tụ khởi động (tụ đề, tụ kích)

- Nhìn ngoài tụ phải bóng, đẹp không nứt, không bị phồng.
- Đọc số liệu ghi trên tụ thì điện dung phải tương đương với tụ cũ (lớn, bé hơn 20% vẫn được), còn điện áp chịu đựng của tụ phải lớn hơn điện áp của lốc là được. Nếu tháo tụ ra ngoài rồi dùng đồng hồ đo điện trở để đo thì kim đồng hồ vọt lên rồi từ từ giảm về 0 là tốt. Sau đó dùng dây điện nối với 2 cực tụ và cắm vào ổ điện 2 – 3 giây rồi rút ra chắp 2 đầu dây lại, nếu có tia lửa kèm theo tiếng nổ là tốt.
4. Thay rơ le nhiệt độ (Thermostat)
- Nếu đúng là “zin” thì lắp vừa khít vào vị trí cũ, nếu loại khác thì phải tìm chỗ hợp lý và đảm bảo mỹ quan để lắp và phải bắt vít chặt chẽ, an toàn.
- Quan sát hình thức phải sạch, đẹp không nứt, vỡ, han gỉ.
- Cầm tay xoay núm phải nghe được tiếng đóng cắt rõ của tiếp điểm.
- Phải chạy lạnh để thử rơ le. Để ở các số từ thấp đến cao thì sau một thời gian rơ le phải ngắt được cho tủ nghỉ (thường thì để số 1 – 3 sau cỡ 60 phút là rơ le ngắt còn từ số 4 trở lên thì lâu hơn, nếu xoay đến nấc cuối thì hầu như  tủ không nghỉ, còn xoay ngược lại, ngược chiều kim đồng hồ đến hết cỡ thì tủ nghỉ hoàn toàn).
- Dùng đồng hồ để xác định khoảng thời gian giữa thời gian ngắt và đóng. Quãng thời gian đó phải trên 3 phút mới đạt yêu cầu, nhưng cũng không quá 25 phút.

5. Thay rơ le bảo vệ quá tải (Tecmic)

- Nhìn bằng mắt phải thấy sạch, bóng, thanh lưỡng kim không bị cháy sém, vỏ nhựa không bị nứt, sứt mẻ.
- Kích thước phải tương đương lắp khít vào vị trí cũ. Nếu cải tạo thì phải chế bộ gá lắp giữ chặt và sát rơ le vào vỏ lốc.
- Thử quá trình đóng ngắt do dòng điện cao như đã nêu ở phần trên.

6. Thay rơ le nhiệt độ phục vụ phá băng dàn lạnh (Thermostat phá băng).


- Nhìn bề ngoài phải đẹp, bóng, mới.
- Giá rẻ (40.000 – 50.000 đ là của TQ, còn của Nhật xịn đắt gấp 2.5 – 3 lần).
- Phải chạy thử hoặc đưa vào tủ khác để thử. Khi đạt nhiệt độ -7oC hoặc -14oC rơ le phải đóng mạch.

7. Thay điện trở phá băng

- Đo điện không bị rò ra vỏ ngoài.
- Cho điện vào sau 5 – 10 giây điện trở phải nóng lên.
- Hình thù phù hợp, lắp khớp với vị trí trên dàn lạnh.

8. Thay hoặc quấn lại quạt gió

- Công suất phải tương đương loại cũ (cho phép lệch 10%).
- Quy cách phù hợp để lắp vào vị trí cũ.
- Nếu quấn lại thì phải được đổ chất cách điện kín cuộn dây để tránh ẩm ướt.
- Chạy thử liên tục ít nhất 3 giờ vẫn tốt và sở tay vào bầu quạt không nóng đèn mức rát tay, nhiệt độ tủ đảm bảo yêu cầu là được.

9. Thay hoặc sửa dàn lạnh.
a) Thay hoặc sửa dàn lạnh bằng nhôm lắp nổi cho tủ 1 cánh cửa (điển hình loại này là tủ Saratốp của Liên Xô).
- Nếu dàn mới thì không có vết xây xát trên bề mặt và trên mặt có màu vàng hoặc xanh bóng là lớp men bảo vệ.
- Nếu dàn đã qua sử dụng chưa thủng thì có thể có vết xước, nhưng không được có vết hàn cháy sém lớp men bảo vệ.
- Nếu có vết hàn cháy sém là dàn đã bị thủng và đã được hàn lại (tuổi thọ loại này sẽ không cao).
- Chạy lạnh phải tốt và tuyết phải bám đều mặt dàn sau 1 giờ chạy máy.
b) Thay dàn cũ bằng dàn loại khác
- Phải có kích thước tương đương (có thể sai lệch 10%).
- Phải chạy thử để xác định độ lạnh và mức độ bám tuyết như đã nói ở trên.
c) Thay dàn cũ bằng dàn tự chế.
- Dàn tự chế có thể bằng ống đồng D6 – D8 được hàn hoặc bắt chặt lên các tấm nhôm, tôn hoa, đồng hoặc inox.
- Phải đảm bảo mỹ quan tối thiểu.
- Được gá lắp chắc chắn vào tủ.
- Cách đi ống đồng phải đảm bảo hồi dầu về lốc mà chủ yếu là cáp phun phía trên dàn và hút về lốc phía dưới của dàn.
- Phải chạy thử để xác định độ lạnh thực tế sau ít nhất 3 giờ chạy máy liên tục.

10. Thay hoặc sửa chữa dàn lạnh bằng nhôm lắp chìm đối với tủ lạnh hai hoặc nhiều cánh cửa.
a) Thay bằng dàn tự chế.
- Phải có ống thoát nước cho dàn lạnh và phải dùng keo epoxy điền kín xung quanh ống thoát nước để tránh nước ngấm vào lớp cách nhiệt.
- Sauk hi cho dàn mới vào phải bơm bọt cách nhiệt polyurethan để điền đầy khe hở giữa dàn cũ và dàn mới.
- Ống hút về lốc không được có tuyết bám khi nhiệt độ trong tủ đạt yêu cầu (được phép ướt).
- Chạy thử không tải phải đạt nhiệt độ như cũ.
b) Nói chung dàn bằng ống nhôm đã bị oxy hóa và thủng thì không nên sửa chữa bằng phương pháp hàn vì trong khi chế tạo người ta lắp dàn rồi mới phun  polyurethan vào để cách nhiệt, do vậy polyurethan điền đầy khe hở và dính chặt vào ống nhôm. Nay nếu đục moi ra sửa chữa thì có thể hỏng tủ.
11. Thay hoặc sửa chữa dàn lạnh kiểu có quạt gió
a) Thay dàn cùng loại
- Kiểm tra bằng mắt thấy cùng kích cỡ, kiểu loại và lắp vào vừa khít vào vị trí cũ.
- Chạy thử đạt yêu cầu về nhiệt độ và tốc độ lạnh như trước là được.
b) Thay dàn lạnh khác loại
- Giá lắp phải đẹp và chắc
- Kích thước phải tương đương (cho phép lệch 10%)
- Dây điện trở phải có điện áp tương đương điện áp tủ lạnh và được lắp đặt vào dàn lạnh đúng vị trí nguyên thủy của nó.
- Phải chạy thử kiểm tra tốc độ lạnh và nhiệt độ lạnh.

c) Sửa dàn lạnh để dùng lại khi bị oxy hóa và thủng.
- Dàn bị thủng bé (châm kim) có thể hàn bịt kín lại và dùng tiếp. Nếu bị thủng nhiều chỗ kèm theo han gỉ sần sùi thì không nên dùng lại.
- Nếu dùng lại dàn đã hàn thì phải thử kỹ bằng áp suất 15kg/cm2 và để ở áp suất đó tối thiểu 24 giờ để xem có bị rò không (nếu dàn chưa hàn vào tủ thì tốt nhất nên dìm vào nước để thử).
- Sau khi lắp phải chạy thử để xác định tốc độ lạnh và nhiệt độ lạnh.

12. Thay thế và sửa chữa dàn nóng

a) Đối với dàn nóng lắp nổi phía sau tủ.
- Nếu thay mới thì phải tương đương kích thước và lắp gọn, chặt, đẹp (có thể lệch 10% kích thước).
- Nếu tự chế bằng ống đồng D6 thì cũng phải đảm bảo chiều dài toàn bộ ống tương đương, đồng thời đảm bảo ống tiếp xúc tốt với tấm nền (tôn, nhôm, đồng,…)
- Phải chạy thử để kiểm tra độ lạnh trong tủ, độ nóng bầu lọc. Độ lạnh phải đạt như trước. Độ nóng bầu lọc phải tương đương nhiệt độ phòng hoặc cao hơn 2 – 3oC là được.

b) Đối với dàn nóng bị tắc, han gỉ thủng có thể vệ sinh sạch và hàn bịt lại để dùng tiếp. Nếu vậy sau xử lý phải kiểm tra độ kín bằng áp suất 18kg/cm2 và thổi sạch bằng khí nén áp suất 10kg/cm2, đồng thời phải thay mới hoàn toàn bầu lọc sau dàn nóng.

c) Đối với dàn nóng loại lắp chìm trong vỏ tủ.
            Phần lớn tủ hiện nay có dàn nóng kiểu chìm. Hư hỏng chủ yếu của loại dàn nóng này là bị oxy hóa, thủng gây mất gas. Khắc phục sự cố này để trả lại như nguyên thủy cho tủ là khá phức tạp vì thiếu điều kiện trang thiết bị. Thường xử lý bằng cách bỏ dàn cũ và thay bằng dàn mới lắp nổi lên phía sau vách tủ. Nếu vậy ta kiểm tra như sau:
-          Dàn phải lắp gọn, đẹp, chắc chắn.
-          Chạy thử phải đạt nhiệt độ như cũ.
-          Nhiệt độ bầu lọc khi máy đã làm việc ổn định chỉ được cao hơn nhiệt độ phòng 2 – 3oC
-          Nhiệt độ vỏ lốc không quá 80oC (sờ tay vào vỏ lốc không bị bỏng).

13. Thay bầu lọc

                Bầu lọc có tác dụng lọc bụi bẩn gồm 2 loại: Loại không có hạt hút ẩm và loại có hạt hút ẩm, có thể hấp thụ được hơi nước trong đường ống. Khi cần thay bầu lọc (còn gọi là phin lọc) ta có thể kiểm tra như sau:
- Nhìn bằng mắt thì thấy bầu lọc mới đỏ màu đồng sạch sẽ, mối hàn còn mới.

- Nếu tận dụng bầu cũ thì phải cắt ra hàn lại và ta sẽ thấy mối hàn ghép hai nửa với nhau. Mặt khác khi đã qua lửa hàn dù có đánh bóng lại vẫn nhận biết được là đồ cũ. Bầu lọc là phụ kiện rẻ tiền, dễ kiếm.

14. Tủ được nạp gas lại

            Lý do phải nạp gas lại là do bị thủng, nứt gây rò gas, cũng có thể do tắc dàn nóng, lạnh, tắc phin lọc, tắc ống tiết lưu hoặc trong gas lẫn nhiều nước (H2O).
            Như vậy phải căn cứ vào nguyên nhân cụ thể mà có cách kiểm tra phù hợp.

a) Nạp lại gas do bị thủng, nứt gây rò mất gas
- Nếu mất gas do lỗ thủng to và để đã lâu (quá 1 tuần) hơi nước trong không khí đã lọt vào hệ thống tiếp xúc với dầu bôi trơn trong lốc và bị dầu hấp thụ nhiều thì cần phải thay thế dầu mới (đã được sấy kỹ) trước khi nạp lại gas.
- Nếu mất gas do chỗ bị rò rất bé, trong máy vẫn còn áp suất thì không khí không lọt vào trong máy được, do vậy có thể dùng loại dầu cũ vẫn được.
- Cần lưu ý khi bị mất gas thì tất nhiên phải có chỗ thủng vì vậy phải bằng mọi cách phát hiện được chỗ thủng để hàn kín đã rồi mới nạp gas. Nếu không phát hiện ra mà cứ nạp gas vào một thời gian lại mất, gây lãng phí.
- Sau nạp gas phải kiểm tra bằng cách chạy thử không tải để xác định nhiệt độ lạnh và các chỉ tiêu khác. Nhiệt độ phải đạt như cũ, dàn nóng có độ nóng giảm dần từ đầu vào đến đầu ra, bầu lọc có nhiệt độ tương đương với nhiệt độ phòng hoặc cao hơn 2 – 3oC. Ống hút về lốc lạnh hoặc hơi ướt (không được có tuyết bám). Dàn lạnh có tuyết bám đều trên toàn bộ bề mặt. Dòng điện làm việc của lốc không được vượt dòng định mức (ở đây cần lưu ý là một số người cứ tưởng nạp dư gas một ít là an toàn và có dự phòng, nhưng thực ra nạp thừa gas là có hại cho lốc, năng suất lạnh bị giảm).

b) Nạp lại gas do tắc bầu lọc.
    Sau một thời gian làm việc, bầu lọc có thể bị tắc gây mất lạnh, thậm chí có thể gây cháy lốc (nếu thấy không lạnh nhưng vẫn cho tủ chạy suốt ngày đêm). Khi đó cần thay bầu lọc mới và do vậy phải nạp lại gas. Cách kiểm tra thay dầu, lọc, nạp lại gas như đã nói ở trên.

c) Nạp lại gas do tắc ống tiết lưu
    Có những trường hợp ống tiết lưu bị tắc bẩn, khi đó cần thay ống tiết lưu mới và nạp lại gas. Cần kiểm tra xem ống mới thay có tương đương ống cũ không và sau nạp lại gas phải chạy thử để xác định nhiệt độ và các chỉ tiêu khác như đã nêu ở phần (a).

d) Nạp lại gas do trong máy có nhiều hơi nước.
    Đây là hiện tượng thợ lạnh thường gọi là tắc ẩm. Tắc ẩm là cho độ lạnh không sâu và dao động mạnh, khi lạnh khi không.  Cần xả hết gas cũ, dầu cũ và thay mới 100%. Xử lý tắc ẩm triệt để là phải cắt tháo rời lốc để xả hết dầu cũ. Nạp lại gas trong trường hợp này phải kiểm tra như sau:
- Nhìn thấy mối hàn mới nối lốc với dàn nóng và dàn lạnh.
- Phải thay bầu lọc mới 100% loại có hạt hút ẩm
- Phải sấy và hút chân không kỹ trước khi nạp gas.
- Phải chạy thử ở nhiệt độ thật sâu (ví dụ để mức cao khi chạy thử) và chạy ít nhất 1 tuần lễ, nếu không tắc lại mới coi là tạm ổn.

Cần chú ý:  Việc chống tắc ẩm là rất khó khăn và cầu kỳ. Một số thợ thường cho cồn mêtilic (CH3OH) vào máy để chống tắc. Điều này rất có hải cho máy, đặc biệt là các bộ phận bằng nhôm.

TRÍCH: Tạp chí KH&CN *4/2000

LINK DOWNLOAD FULL TÀI LIỆU

Facebook Google twitter
Từ khóa:
Cùng Chuyên Mục
Blogger Comments
Facebook Comments

Tin Tức Online
Xem Thêm Tất Cả »
Góc Chia Sẻ
Xem Thêm Tất Cả »
Game - Ứng Dụng Hay Tháng 8
Xem Thêm Tất Cả »
Góc Thư Giản
Xem Thêm Tất Cả »
Bài Viết Ngẫu Nhiên
Copyright © 2016 - All Rights Reserved
Template by Bùi Đạt - Powered by Blogger | SiteMap