Phương pháp sử dụng máy điều hòa và tủ lạnh tiết kiệm điện


Khi sử dụng các thiết bị điện trong gia đình trong đó có tủ lạnh và máy điều hòa, ai cũng muốn giảm chi phí sử dụng tối đá. Bài này xin giới thiệu một số biện pháp nhằm mục đích trên.

A. Đối với tủ lạnh

Chi phí cho việc sử dụng tủ lạnh chủ yếu là tiền điện. Các biện pháp sau đây giúp bạn tiết kiệm hơn.



1. Chọn dung tích tủ phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Tủ càng lớn thì tiêu thụ điện càng nhiều, do vậy ta cần chọn tủ nhỏ nhất tùy theo nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình. Ví dụ:

1 – 2 người chọn tủ 50 – 70 lít, điện tiêu thụ 30 kWh/ tháng

3 – 5 người chọn tủ 100 – 120 lít, điện tiêu thụ 40 kWh/ tháng

6 – 8 người chọn tủ 150 – 200 lít, điện tiêu thụ 50 kWh/ tháng

9 – 12 người chọn tủ trên 250 lít, điện tiêu thụ 70 kWh/ tháng

2. Chọn loại tủ có 2 cánh trở lên

Tủ nhiều cửa thì khi sử dụng ta mở buồng này không làm mất lạnh của buồng khác, do vậy đỡ tốn điện và đỡ ảnh hưởng thức ăn ngăn khác.

3. Đảm bảo chất lượng điện tốt

- Về điện áp: Nếu điện áp quá thấp hoặc quá cao (ví dụ dưới 190V và trên 250V đối với tủ dung điện áp 220V) hoặc dao động lớn và liên tục (ví dụ dùng chugn điện với máy hàn điện) thì phải dung ổn áp (công suất 300 – 500VA) hoặc Delay bảo vệ tủ lạnh.

Nếu không có các thiết bị trên thì tủ lạnh sẽ không chạy bình thường được khi điện áp quá thấp hoặc quá cao, hoặc rất tốn điện và vẫn không có lạnh, thậm chí gây hỏng tủ.

Máy ổn áp sẽ giúp ta tự điều chỉnh điện áp để đảm bảo điện áp luôn ổn định ở mức tiêu chuẩn khi điện áp nguồn có thay đổi (đương nhiên trong một phạm vi cho phép tùy theo loại ổn áp).

Delay sẽ giúp ta chỉ cho tủ lạnh hoạt động khi điện áp đảm bảo (khi yếu quá, khỏe quá, nhấp nháy hoặc khi mất điện mà lại có ngay thì tủ được nghỉ).

Hiện nay đã có loại ổn áp sutudo 0.6 kVA và 1 kVA là loại có lắp sẵn bộ trễ dung cho tủ lạnh.

- Về các khí cụ điện phụ trợ:
Nếu có ổ cắm, cầu dao, aptomat… thì các loại này phải tốt, chỗ nối phải chắc chắn tiếp xúc tốt, ổ cắm không lỏng, han gỉ và chỉ dung riêng cho tủ lạnh mà thôi.

4. Vị trí đặt tủ

Vị trí đặt tủ lạnh có ảnh hưởng đến điện năng tiêu thụ và độ bền của tủ. Vì vậy tủ phải được đặt tại nơi càng thoáng mát càng tốt, không được để chỗ nóng, chỗ kín gió. Nếu đặt tủ ở vị trí không phù hợp có thể gây quá tải và cháy lốc.

5. Sử dụng tủ lạnh để giữ thức ăn đúng kỹ thuật

Tủ lạnh khi thiết kế và chế tạo đều căn cứ trên một số tiêu chí nhất định như:

- Tổng số thời gian làm việc trong một ngày không quá 20 giờ.

- Số lần khởi động trong một giờ không quá 04 lần.

- Năng suất lạnh của tủ: 100 – 300 kCal/ h.

- Nhiệt độ thấp tối đa trong ngăn đông từ -6 đến -24oC.

- Kích thước viên đá: 20 – 40g.

- Lượng đá trong một ngăn: 0.5 ÷ 3 kg.

Vì vậy khi sử dụng chúng ta không được ép buộc tủ phải làm việc ngoài phạm vi và khả năng nó có thể chịu được, cụ thể là:

- Không để thức ăn nóng ấm vào tủ lạnh.

- Chỉ nên làm đá trong các khay chuyên dung làm đá viên cho tủ lạnh. Nếu muốn làm thêm chỉ nên dùng khuôn không quá 0.5 kg.

- Hạn chế mở cửa càng ít càng tốt và nếu cần mở thì mở càng nhanh càng tốt.

- Cửa phải đóng kín (nếu hở thì phải sửa hoặc thay roăng).

- Núm xoay đặt nhiệt độ (Rơ le nhiệt độ) chỉ nên để ở nấc trung bình và thiết bị này phải làm việc tốt.

- Công tắc đèn trong tủ phải tốt (khi đóng cửa điện phải tắt).

- Nếu loại tủ có dàn lạnh nổi và trực tiếp thì phải phá băng tuyết cho dàn lạnh đúng lúc (để quá nhiều đá bám dàn lạnh hoặc phá băng quá liên tục đều làm tăng tiêu thụ điện năng).

- Nên tích trữ một hộp đá ở trong ngăn đá sẽ làm cho tủ được nhẹ tải hơn khi làm việc và nếu mất điện thì cũng giữ lạnh được lâu hơn.



B. Đối với máy điều hòa

Chi phí cho máy điều hòa trong sử dụng gồm:

- Chi phí tiền điện.

- Chi phí chăm sóc bảo dưỡng.

Vì vậy để giảm chi phí sử dụng ta cần có các biện pháp giảm các chi phí trên. Sau đây là các biện pháp cụ thể:

1. Chọn máy phù hợp với nhu cầu sử dụng.



Nếu chọn máy công suất bé mà phòng lớn quá thì khi dùng sẽ kém mát, máy chạy không nghỉ nên rất tốn điện vì thời gian làm việc nhiều và dòng điện làm việc lớn hơn định mức (nhất là những ngày nắng nóng). Mặt khác máy sẽ rất chóng hỏng.

Ngược lại nếu chọn máy có công suất lớn mà phòng bé thì phòng sẽ rất nhanh mát, thời gian máy làm việc ít, nghỉ nhiều, có lợi cho tuổi thọ máy, nhưng vì công suất lớn nên vẫn tốn điện và giá thành đắt hơn máy bé. Do vậy ta phải căn cứ hướng dẫn của nhà sản xuất, của các chuyên gia về điều hòa không khí hoặc căn cứ vào bảng sau đây:

Phòng 6 – 9m2 nên dùng máy 6000 – 7000 Btu/h

Phòng 10 – 14m2 nên dùng máy 9000 – 10000 Btu/h

Phòng 15 – 18m2 nến dùng máy 12000 – 13000 Btu/h

Phòng 19 – 22m2 nên dùng máy 14000 – 16000 Btu/h

Phòng 23 – 25m2 nên dùng máy 17000 – 18000 Btu/h

Ghi chú: Định mức trên là cho các phòng ngủ, phòng khách và các phòng khác mà trong phòng không có nguồn sinh nhiệt gì đặc biệt. Nếu phòng có nấu nướng hoặc thức ăn nóng thì phải tính toán để chọn máy lớn hơn bù vào nguồn nhiệt đó.

2. Đảm bảo chất lượng điện tốt

- Về điện áp: Nếu điện áp thấp hơn điện áp định mức của máy là bao nhiêu phần trăm thì điện năng tiêu tốn cho máy sẽ tăng lên bấy nhiêu phần trăm. Ngược lại nếu điện áp cao hơn dưới 10% thì điện năng tiêu tốn không tăng. Ví dụ: Ta dùng một máy điều hòa có dòng điện định mức là 4.2A ở điện áp 220V thì khi điện áp giảm xuống 200V dòng điện sẽ là 4.8A nhưng nếu điện áp tăng lên 240V thì dòng điện vẫn là 4.2A.

- Như vậy ta phải dùng ổn áp để đảm bảo điện áp thường xuyên ổn định ở 220V sẽ tốn ít điện nhất.

- Về hiện tượng mất điện rồi có lại ngay: Trong trường hợp này, đối với hầu hết các máy có điều khiển từ xa thì đều có bộ trể (Delay) để bảo vệ. Nếu không có bộ trễ thì máy sẽ không tự khởi động được do vậy dòng điện rất cao (gấp 5 – 7 lần dòng làm việc bình thường), rất tốn điện, hại máy.

Muốn khắc phục hiện tượng có hại này phải lắp thêm bộ trễ (Delay) còn gọi là thiết bị bảo vệ thiết bị lạnh. Khi dùng thiết bị này cần lưu ý lắp qua một contactor có dòng làm việc tương đương với dòng làm việc của máy điều hòa (Vì tiếp điểm của Delay thường nhỏ, chỉ từ 5 – 10A).

- Về các khí cụ điện phụ trợ: Chỉ dùng các loại tốt đảm bảo đủ công suất cho máy.

Aptomat phải là loại chuyên dùng có dòng điện lớn phù hợp với máy. Ví dụ máy 9000 – 13000 Btu/h thì dùng loại 20A, loại 14000 – 18000 Btu/h thì dùng loại 30A.

Nên định kỳ dùng đồng hồ kẹp dòng, đồng hồ van năng để biết dòng điện và điện áp làm việc của máy. Khi thấy dòng lớn tức là máy đang rất tốn điện thì phải có cách xử lý thích hợp (ví dụ do điện yếu thì tăng điện lên, do dàn nóng bẩn thì phải bảo dưỡng dàn nóng,…).

Lưu ý: Do dòng điện máy điều hòa là khá lớn nên dây dẫn phải đủ lớn và các mỗi nối, cầu đấu phải tốt, chắc chắn. Nếu không sẽ bị phát nhiệt gây tốn điện, thậm chí dễ chập cháy.

3. Chọn vị trí đặt máy điều hòa

Vị trí đặt máy điều hòa ảnh hưởng khá nhiều đến việc tiêu tốn điện năng trong quá trình sử dụng. Do vậy phải cố gắng đảm bảo các yêu cầu sau đây:

a. Đối với máy điều hòa 1 cục:

- Đường dây dẫn điện từ cầu dao tổng (trục chính) đến máy càng ngắn càng tốt, vì đỡ sụt áp, đỡ hao tổn trên đường dây.

- Đặt máy ở chỗ thoáng gió. Nếu thoát gió nóng kém hoặc bị cản gió nóng thì điện tiêu thụ sẽ tăng lên đáng kể, thậm chí hỏng máy.

- Cần có mái che để ánh nắng không dọi thẳng vào dàn nóng.

b. Đối với loại máy điều hòa 2 cục.

Ngoài các vấn đề nêu ở máy 1 cục thì cần chú ý thêm:

- Cục nóng nên đặt thấp hơn cục lạnh và càng gần cục lạnh càng tốt vì dầu sẽ hồi về bôi trơn và làm mát lốc được tốt hơn.

- Cục nóng đặt ở chỗ càng ít bụi càng tốt vì bụi nhiều thì dàn nóng chóng bẩn và rất tốn điện.

4. Sử dụng tiết kiệm điện.

- Không mở cửa phòng quá lâu vì làm như vậy thì phòng kém lạnh và máy phải làm việc liên tục nên rất tốn điện và hại máy.

- Chỉ đặt nhiệt độ phòng thấp hơn nhiệt độ ngoài trời khoảng 2 oC. Làm như vậy máy sẽ được nghỉ nhiều hơn và người đỡ bị cảm.

- Nên dùng quạt hỗ trợ trong phòng thì sẽ có cảm giác mát hơn và có thể đặt nhiệt độ cao hơn, do vậy tốn ít điện hơn.

- Luôn cọ rửa lưới lọc gió đúng kỳ hạn (200 giờ làm việc) để tận dụng tối đa khả năng làm lạnh.

- Hàng ngày kẹp dòng nếu dòng điện vượt định mức thì phải xem xét xử lý ngay.

- Hạn chế tối đa các nguồn làm phát nhiệt trong phòng như đun nấu, không dùng đèn sợi đốt.



TRÍCH: Tạp chí KH&CNN * 3/2001


Facebook Google twitter
Từ khóa:
Cùng Chuyên Mục
Blogger Comments
Facebook Comments

Tin Tức Online
Xem Thêm Tất Cả »
Góc Chia Sẻ
Xem Thêm Tất Cả »
Game - Ứng Dụng Hay Tháng 8
Xem Thêm Tất Cả »
Góc Thư Giản
Xem Thêm Tất Cả »
Bài Viết Ngẫu Nhiên
Copyright © 2016 - All Rights Reserved
Template by Bùi Đạt - Powered by Blogger | SiteMap