Giới thiệu:
Van servo là dạng van phối hợp giữa hai loại van: van phân phối và van tiết lưu, kết hợp với tín hiệu điều khiển điện. Van servo có thể điều khiển được vô cấp lưu lượng qua van với sai số khoảng 5%. Van servo được dùng trong các mạch điều khiển tự động chẳng hạn ở các máy điều khiển rô-bốt, các máy gia công cơ khí, máy ép nhựa đắt tiền… xuất xứ từ Đức, Anh, Mỹ. Hiện nay sản xuất và cung cấp van servo có thể đến các hãng Rexroth, MOOG (Mỹ) hay Juken (Nhật) và có giá thành dao động từ vài ngàn USD trở lên.



Ưu nhược điểm:
+ Ưu điểm
- Với các hệ thống thủy lực yêu cầu làm việc mượt và độ chính xác cao ở nhiều vận tốc và áp suất làm việc khác nhau trong các hành trình nhỏ, khi dùng van servo sẽ cho kết cấu gọn nhẹ và ít linh kiện thủy lực (giảm phức tạp đấu nối, tổn hao).
- Khi một hệ thống thủy lực làm việc, tải thường xuyên thay đổi và công suất bơm có thời điểm sẽ lớn hơn nhiều công suất cần thiết, dẫn đến tổn thất năng lượng. Van servo có ưu điểm giúp bơm thủy lực điều chỉnh công suất phù hợp với tải khi tải thay đổi (bơm linh hoạt theo tải), nâng cao hiệu suất hệ thống.
+ Nhược điểm
- Giá lắp đặt một hệ thống thủy lực có giá rất cao. Nguyên nhân là bởi vì van servo có giá thành đắt hơn nhiều so với các van thủy lực thông thường (ON/OFF), cộng thêm hệ thống điều khiển PLC đi kèm và yêu cầu hệ thống thủy lực phải đảm bảo kín, sạch.
- Dải lưu lượng và áp suất làm việc cho phép nhỏ. Vì nhược điểm này nên thông thường người ta sử dụng kết hợp van servo và van tỷ lệ. Valve servo đóng vai trò nhận tín hiệu điện và chuyển thành tín hiệu dầu thủy lực để điều khiển valve tỷ lệ con trượt, được đóng vai trò valve làm việc chính. Van loại này gọi là “High Response Control Valve”.


Nguyên lý làm việc
Có hai nguyên lý hoạt động của valve servo:
1- Nguyên lý vòi phun - bản chắn:  Tên nguyên thủy tiếng Anh là: Double Flapper Nozzle
2- Nguyên lý ống phun: Jet pipe
Các valve servo, dù theo nguyên lý nào, bao gồm 3 phần chính:
   - Cụm coil điện nhận tín hiệu điều khiển gắn liền với một bộ phát tín hiệu dầu thủy lực. 
   - Phần thứ 2 là bộ nhận tín hiệu thủy lực và biến đổi thành tín hiệu điều khiển lõi con trượt phân phối.
   - Phần thứ 3 là lõi con trượt phân phối làm nhiệm vụ cung cấp lượng dầu cần thiết theo tín hiệu điều khiển ở trên.
   Dưới đây mô tả nguyên lý làm việc của valve servo kiểu vòi phun - bản chắn hay vòi phun – cánh chặn.
   Bộ phận điều khiển con trượt của van servo (torque motor) thể hiện trên hình gồm các chi tiết sau:



Hình 1. Sơ đồ nguyên lý của bộ phận điều khiển con trượt của van servo
  • Nam châm vĩnh cửu
  • Phần ứng và hai cuộn dây
  • Cánh chặn và càng đàn hồi
  • Ống đàn hồi
  • Miệng phun dầu
       Hai nam châm vĩnh cửu đặt đối xứng tạo thành khung hình chữ nhật, phần ứng trên đó có hai cuộn dây và cánh chặn dầu (flapper) mềm, ngàm với phần ứng (gắn cố định), tạo nên một kết cấu cứng vững. Định vị phần ứng và cánh chặn dầu là một ống đàn hồi, ống này có tác dụng phục hồi cụm phần ứng và cánh chặn về vị trí trung gian khi dòng điện vào hai cuộn dây cân bằng. Nối với cánh chặn là càng đàn hồi, càng này nối trực tiếp với con trượt. Khi dòng diện vào hai cuộn dây lệch nhau, dưới tác dụng của lực điện từ thì phần ứng bị hút lệch sang phải - trái theo biên độ tỷ lệ với tín hiệu điện đưa vào coil, do sự đối xứng của các cực nam châm mà phần ứng sẽ quay.
      Có hai vòi phun (tiết lưu - Nozzle) được đặt giữa bản chắn này và cả hai vòi phun này cùng được cấp một áp suất Ps. Khi bản chắn ở vị trí "0", áp suất ở hai đầu vòi phun là như nhau giữ cho áp lực của hai phía lõi valve chia con trượt bên dưới là như nhau. Lõi valve được cân bằng ở vị trí "0".
      Khi phần ứng quay, ống đàn hồi sẽ biến dạng đàn hồi, cánh chặn bị lệch đi, khe hở từ cánh chặn đến miệng phun dầu cũng sẽ thay đổi (phía này hở ra và phía kia hẹp lại), nó sẽ tiết lưu và làm thay đổi áp suất ở hai vòi phun. Do chênh lệch áp suất ở hai vòi phun dẫn đến áp suất ở hai phía của con trượt lệch nhau và con trượt được di chuyển tương ứng để mở các cửa dầu (Giữa lõi valve con trượt và bản chắn sẽ có một "que dò” hay “càng đàn hồi” để đẩy cánh chặn về vị trí "0" khi lõi con trượt đã xác lập được vị trí "mở" yêu cầu theo tín hiệu điện từ đưa vào cuộn coil)
Như vậy:
- Khi dòng điện điều khiển ở hai cuộn dây bằng nhau hoặc bằng 0 thì phần ứng, cánh, càng và con trượt ở vị trí trung gian (áp suất ở hai buồng con trượt cân bằng nhau)
- Khi dòng điện i≠ i2 thì phần ứng sẽ quay theo một chiều nào đó tùy thuộc vào dòng điện của cuộn dây nào lớn hơn. Giả sử phần ứng quay thuận chiều kim đồng hồ, cánh chặn dầu cũng quay theo làm tiết diện chảy của miệng phun dầu thay đổi, khe hở miệng phun phía phải rộng ra và khe hở miệng phun phía trái hẹp lại, áp suất dầu vào hai buồng con trượt không cân bằng, tạo lực dọc trục, đẩy con trượt di chuyển về bên phải, hình thành tiết diện chảy qua van (tạo đường dẫn dầu qua van). Quá trình trên thể hiện ở hình 2b. Đồng thời khi con trượt sang phải thì càng sẽ cong theo chiều di chuyển của con trượt làm cho cánh chặn dầu cũng di chuyển theo. Lúc này khe hở ở miệng phun phải hẹp lại và khe hở ở miệng phun trái rộng lên, cho đến khi khe hở của hai miệng phun bằng nhau và áp suất hai phía bằng nhau thì con trượt ở vị trí cân bằng. Quá trình đó thể hiện ở hình 2c.
Mômen quay phần ứng và mômen do lực đàn hồi của càng cân bằng nhau. Lượng di chuyển của con trượt tỷ lệ với dòng điện vào cuộn dây
- Tương tự như trên nếu phần ứng quay theo chiều ngược lại thì con trượt sẽ di chuyển theo chiều ngược lại



Hình 2. Sơ đồ nguyên lý hoạt động của van servo

a.     Sơ đồ giai đoạn van chưa làm việc;
               b.     Sơ đồ giai đoạn đầu của quá trình điều khiển;
             c.      Sơ đồ giai đoán hai của quá trình điều khiển.

     Nguyên lý “JET-PIPE” cũng gần giống “DOUBLE FLAPPER NOZZLE”. Đường ống cấp dầu "mềm" sẽ được thổi vào 1 ống chữ V và áp suất ở hai phía là như nhau. Khi đầu phun lệch sang một bên do lực điện từ, áp suất phun ở hai phía bị lệch nhau và trở thành tín hiệu điều khiển lõi con trượt phân phối dầu.      
     Qua nguyên lý của van servo để so sánh với van tỉ lệ ta nhận thấy. Van tỷ lệ thì bộ điều khiển chỉ làm cho dòng diện ở hai cuộn dây thay đổi, do đó làm cho con trượt của van phân phối chính thay đổi nhưng lại không có sự phản hồi lại, có chăng thì ở một số loại van có thêm bộ chuyển đổi tuyến tính vị trí con trượt (LVDT). Nhưng van servo thì khác, van servo có sự phản hồi này, khi con trượt thay đổi vị trí thì sẽ tạo ra một mô men trên thanh phản hồi "feedback spring" (đầu dò hay càng đàn hồi nêu ở trên) làm cho cánh chắn trở về vị trí cân bằng và giữ yên vị trí của con trượt cho tới khi có tín hiệu thay đổi dòng điện từ hai cuộn dây. Vì  lý do trên  mà van servo có độ chính xác cao hơn.

Kết cấu của van servo
Ngoài những kết cấu thể hiện ở hình 1 và 2 trong van còn bố trí thêm bộ lọc dầu nhằm đảm bảo điều kiện làm việc bình thước của van. Để con trượt ở vị trí trung gian thì tín hiệu vào bằng không tức là để phần ứng ở vị trí cân bằng, người ta đưa vào kết cấu vít điều chỉnh
Các hình dưới là kết cấu của một số loại van servo được sử dụng hiện nay.



Hình 3. Bản vẽ thể hiện kết cấu và ký hiệu của van servo
a, b, Bản vẽ thể hiện các dạng kết cấu của van servo
c. Ký hiệu van servo



Hình 4. Kết cấu của van servo một cấp điều khiển
1. Không gian trống; 2. Ống phun; 3. Lõi sắt của nam châm; 4. Ống đàn hồi;
 5. Càng điều khiển điện thủy lực; 6. Vít hiệu chỉnh; 7. Thân của ống phun;
8. Thân của nam châm; 9. Không gian quay của lõi sắt năm châm; 10. Cuộn dây của nam châm; 11. Con trượt của van chính; 12. Buồng dầu của van chính.


Hình 5. Kết cấu của van servo 2 cấp điều khiển
1. Cụm nam châm; 2. Ống phun; 
3. Càng đàn hồi của bộ phận điều khiển điện thủy lực;
 4. Xylanh của van chính; 5. Con trượt của van chính;
6. Càng điều khiển điện – thủy lực; 7. Thân của ống phun.


Hình 6. Kết cấu của van servo 2 cấp điều khiển có cảm biến
1. Cụm nam châm; 2. Ống phun; 3. Xylanh của van chính; 4. Cuộn dây của cảm biến; 5. Lõi sắt từ của cảm biến; 6. Con trượt của van chính; 7. Càng điều khiển điện – thủy lực; 8. Ống phun; 9,10. Buồng dầu của van chính.



Hình 3.24. Kết cấu của van servo 3 cấp điều khiển có cảm biến
1. Vít hiệu chỉnh; 2. Ống phun; 3. Thân van cấp 2; 4. Thân van cấp 3; 5. Cuộn dây của cảm biến; 6. Lõi sắt từ của cảm biến; 7. Con trượt của van chính; 8. Càng điều khiển điện – thủy lực; 9. Thân của ống phun; 10,14. buồng dầu của van cấp 2; 11. Con trượt của van cấp 2; 12. Lò xo của van cấp 2; 13. Xylanh của van cấp 3; 15,16. Buồng dầu của van cấp 3.

Tài liệu tham khảo: 



Facebook Google twitter
Từ khóa:
Cùng Chuyên Mục
Blogger Comments
Facebook Comments

Tin Tức Online
Xem Thêm Tất Cả »
Góc Chia Sẻ
Xem Thêm Tất Cả »
Game - Ứng Dụng Hay Tháng 8
Xem Thêm Tất Cả »
Góc Thư Giản
Xem Thêm Tất Cả »
Bài Viết Ngẫu Nhiên
Copyright © 2016 - All Rights Reserved
Template by Bùi Đạt - Powered by Blogger | SiteMap