Với một chút kiên nhẫn và sáng tạo bạn có thể tự mình tạo nên và tận hưởng một hệ thống giải trí tại gia không dây với những thiết bị hỗ trợ công nghệ DLNA.
I. CHỌN MUA THIẾT BỊ
Bước đầu tiên và quan trọng nhất, bạn phải chọn mua đúng những dòng sản phẩm hỗ trợ công nghệ DLNA. Ngoài việc tham khảo kỹ người bán hàng về sản phẩm đặc điểm kỹ thuật, tính năng trên bao bì, bạn cũng cần chú ý một số kinh nghiệm sau:

Truy cập Internet để tham khảo qua các đặc điểm quan trọng liên quan đến sản phẩm (thường không được ghi rõ trên bao bì hoặc người bán không biết). Chẳng hạn trước khi mua một đầu phát nội dung hỗ trợ DLNA, bạn cần xem kỹ nó hỗ trợ những chuẩn file video nào, codec nào, có hiển thị được phụ đề không, phụ đề mã hóa chuẩn nào, tiếng Việt hiển thị được không…

Tra cứu sản phẩm được cấp chứng nhận DLNA tại trang http://www.dlna.org/consumer-home/look-for-dlna/product-search. Bạn có thể nhập thẳng model sản phẩm vào ô tìm kiếm, hoặc chọn theo từng dòng sản phẩm, nhà sản xuất, tính năng và nhấn Search (hoặc Update Search). Nếu trong phần Product Results có tên sản phẩm cần tìm thì sản phẩm này được “gắn mác” DLNA. Trong danh sách hiện ra, bạn có thể đánh dấu chọn trước dòng sản phẩm muốn xem, nhấn View Certification Results để xem file chứng nhận dạng PDF hoặc tải về toàn bộ danh sách tìm kiếm bằng file Excel với tùy chọn Download Results as Excel.

Những thông tin về định dạng file hình ảnh, âm thanh, video, phụ đề cũng như các tính năng hỗ trợ khác cho việc chơi qua mạng nội bộ (tua nhanh, dò nội dung…) cũng được liệt kê khá chi tiết trong chứng nhận của DLNA.

Khi chọn mua sản phẩm, nên xem kỹ trên vỏ máy, bao bì hoặc các nhãn gắn xung quanh thiết bị có in logo DLNA hoặc DLNA Certified hay không? Nếu không, bạn hãy xem lại. Trong một số trường hợp đặc biệt, DLNA được nhà sản xuất “làm mới” với những tên gọi khác nhau nhưng đều sử dụng giao thức DLNA, UPnP nên các thiết bị nào tương thích DLNA đều có thể giao tiếp được.

II. CHUẨN BỊ
Trước khi bắt tay vào lắp đặt hệ thống giải trí không dây với DLNA, chúng ta nên dành vài phút vẽ sơ đồ lắp đặt chi tiết để tránh tình trạng lắp nhầm, phải sửa đi sửa lại sau này.
Sơ đồ minh họa cho hệ thống DLNA trong 5 căn phòng với một router Wi-Fi.
Đầu tiên, hãy liệt kê tất cả những thiết bị hỗ trợ DLNA hiện có trong nhà: máy tính (laptop hoặc để bàn), thiết bị lưu trữ mạng (NAS), Smart TV hỗ trợ kết nối Wi-Fi, đầu đĩa Blu-ray Player tích hợp Wi-Fi, smartphone, máy chơi game PS3, máy tính bảng, máy in, máy ảnh, khung ảnh số... Xem lại những dây dẫn cần thiết, chẳng hạn như cáp nguồn, cáp mạng LAN (dành cho máy tính để bàn)…

- Tiếp đến là bố trí các thiết bị sao cho tiết kiệm không gian mà vẫn có hiệu quả sử dụng tốt nhất. Bạn cũng vạch sẵn trong sơ đồ thiết bị nào sử dụng kết nối có dây và không dây để dễ dàng thiết lập ở các bước sau đó.
III. LẮP ĐẶT VÀ THIẾT LẬP
Bước 1: Thiết lập mạng Wi-FiỞ bước này, chúng ta sẽ thiết lập một mạng Wi-Fi trong nhà. Để có tín hiệu tốt nhất mà mọi thiết bị trong căn nhà đều có thể bắt được, bạn nên đặt router ở chỗ trống trải, nằm ở trung tâm của căn nhà là tốt nhất.
Lưu ý: Nếu chỉ nghe nhạc, xem trình chiếu hình ảnh hay video độ phân giải SD (640x480) thì có thể sử dụng một router wireless chuẩn G là đủ. Tuy nhiên, nếu muốn xem phim độ phân giải cao HD 720p/1080p hoặc Blu-ray Rip bạn nên sắm một chiếc router hỗ trợ chuẩn 802.11n để có băng thông cao hơn. Như vậy, những thước phim HD được streaming qua router để đến với TV hay máy tính bảng của bạn sẽ có được chất lượng tốt và sẽ không gặp phải hiện tượng “tiếng một nơi, hình một nẻo” và giật hình.
Bước 2: Kết nối TV với bộ định tuyến

Những TV thông minh màn hình lớn tích hợp DLNA hiện có trên thị trường thường có hai lựa chọn kết nối cho người dùng: thông qua cáp mạng Ethernet và qua mạng Wi-Fi. Ở đây, chúng ta sẽ sử dụng cách kết nối qua mạng không dây Wi-Fi.

Một số dòng TV không tích hợp trực tiếp kết nối Wi-Fi vào TV mà phải sử dụng một bộ phận riêng biệt, được gọi là Wireless Bridge được gắn qua cổng USB tích hợp của TV. Để bắt đầu sử dụng, chúng ta sẽ gắn bộ phận này vào để TV bắt đầu nhận tín hiệu từ router.

Bước tiếp theo, bạn hãy bật TV lên, sử dụng bộ điều khiển từ xa chọn Menu > Setup > dùng các nút điều hướng để chọn Network > nhấn OK.
Tại các mục chọn hiện ra, bạn chọn Network Type > Wireless > đợi vài giây để TV bắt đầu quét và nhận dạng những mạng không dây ở trong vùng phủ sóng.

Trong danh sách các mạng Wi-Fi hiện ra, bạn chọn tên mạng muốn kết nối và sử dụng remote để nhập mật mã (nếu có).
Sau khi TV báo đã kết nối thành công với mạng Wi-Fi, bạn nhấn nút Return để quay lại menu Network > nhấn chọn Test Network để kiểm tra lại chắc chắn TV đã kết nối thành công với router.

Lưu ý: 
Mỗi dòng TV tuy có thể bố trí cách thiết lập mạng Wi-Fi khác nhau nhưng nhìn chung đều có cấu trúc Menu > Setup (hoặc Settings, Options) > Network (hoặc Network Settings/Options).

Việc nhập mã khóa mạng Wi-Fi trên TV với remote tương đối khó khăn. Do vậy, nếu router nhà bạn hỗ trợ tính năng kết nối nhanh WPS (Wi-Fi Protected Setup) thì bạn nên tận dụng. Thao tác như sau: cho TV kết nối theo kiểu WPS > đồng thời nhấn đè nút có hình chìa khóa hoặc hai mũi tên xoay (trên router) cho đến khi TV báo đã kết nối thành công là xong.

Trường hợp chiếc HDTV chỉ hỗ trợ cổng kết nối mạng LAN mà không hỗ trợ Wi-Fi, bạn chỉ cần cắm cáp mạng, nối TV với cổng RJ45 trên router.
Bước 3: Kết nối đầu DVD/Blu-ray Player vào router
Đầu tiên, bạn hãy kết nối đầu phát DVD/Blu-ray Player vào TV thông qua cáp AV RCA, HDMI, VGA hoặc DVI. Từ remote của TV, bạn chọn nguồn phát bằng cách chọn nút Source > tên nguồn phát (một số remote không có nút Source, bạn hãy tìm những nút có tên tương ứng với nguồn AV, HDMI hoặc VGA...).

Tiếp theo, trên remote của đầu phát bạn nhấn HOME > Setup > Network Settings > Internet Settings > nhấn ENTER. Tại màn hình Start Settings, nhấn nút ENTER > chọn Connection Method > Wireless > ENTER để bắt đầu kết nối đầu phát với router Wi-Fi.

Thực hiện các bước theo hướng dẫn trên màn hình để kết nối đầu phát với mạng Wi-Fi. Nếu quá trình cài đặt thành công, bạn sẽ nhận được thông báo Settings are Complete.

Bước 4: Kết nối các thiết bị tương thích DLNA còn lại vào routerVới máy chơi game PlayStation 3, bạn có thể vào Settings > Network Settings > Internet Connection Settings > kết nối với mạng Wi-Fi đã “hòa mạng” thành công với TV và đầu phát ở trên.
Trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng dùng Android, bạn vào Settings > Wireless and network > nhấn chọn Wi-Fi để kích hoạt kết nối này. Sau đó, trong danh sách Wi-Fi networks, bạn chọn tên mạng Wi-Fi và nhập mã khóa (nếu có) để kết nối.

Đối với thiết bị dùng iOS, chọn Settings > Wi-Fi > nhấn Wi-Fi = ON và kết nối với mạng Wi-Fi.

Bước 5: Thiết lập ổ đĩa lưu trữ chia sẻ NAS

Ổ đĩa lưu trữ trong mạng nội bộ NAS (Network-Attached Storage) đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giải trí DLNA vì là nơi phân phối chính nội dung. Toàn bộ kho phim, ảnh và nhạc của bạn đều chứa tập trung ở đây để phát lên thiết bị khác khi bạn có nhu cầu thưởng thức.

Việc thiết lập thiết bị NAS tương đối phức tạp nhưng về cơ bản những thiết bị dạng này đều có cách cài đặt giống nhau. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi mô tả các bước tiến hành cài đặt trên NAS có dung lượng 2TB của LG.

Trước hết, bạn hãy cắm điện và nhấn nút nguồn để khởi động NAS. Sau đó, kết nối NAS với router Wi-Fi thông qua cáp mạng Ethernet (cổng RJ45).
Cài đặt ứng dụng LG NAS PC Software kèm theo sản phẩm (hoặc tải tại trang web của nhà sản xuất) lên một máy tính trong mạng.

Trải qua các bước thiết lập ban đầu, tính năng NAS Detector sẽ nhận diện được thiết bị lưu trữ NAS đã được kết nối trên router.

Thông tin chi tiết về địa chỉ MAC, IP, Host Name được liệt kê đầy đủ nhưng bạn chỉ cần quan tâm đến địa chỉ IP mà thôi. Ở đây, NAS có địa chỉ động là 192.168.1.108 do router cung cấp.

Từ trình duyệt, bạn truy cập tới địa chỉ IP của NAS, trong ví dụ này là http://192.168.1.108, và đăng nhập với User ID và mật khẩu được ghi trong sách hướng dẫn sản phẩm. Thông thường là User ID: admin, password: admin hoặc 1234 (tùy dòng sản phẩm).

Tại trang quản lý NAS, bạn có thể xem trạng thái và thông tin của những thiết bị trong mạng DLNA.
Tiếp tục, chúng ta sẽ thiết lập tài khoản người dùng (User), nhóm người dùng (Groups) và thư mục chia sẻ. Vì mặc định sẽ chỉ có duy nhất một tài khoản quản trị (System Administrator) mới có quyền truy cập nội dung nên phải thiết lập lại.

Trước tiên bạn vào Share > User > Create user để tạo một tài khoản mới bằng cách nhập đầy đủ User ID, hai lần mật khẩu, tên người dùng, địa chỉ email gửi thông tin tài khoản > nhấn Save để lưu lại. Bạn cũng có thể tạo nhóm người dùng (Groups) bằng các thao tác tương tự.

Bước tiếp theo, bạn hãy phân quyền cho từng người khi truy cập tài nguyên chứa trong NAS. Sau khi nhấn vào Share > Folder, bạn hãy đặt tùy chọn hỗ trợ cho các giao thức sử dụng, chẳng hạn Windows, Mac AFP, FTP và WebDAV. Các thiết lập về trạng thái, chế độ ẩn của thư mục đó bạn cũng cần phải thiết lập cho phù hợp với mục đích sử dụng riêng của gia đình. Tại đây, bạn cũng có thể hạn chế truy cập ở mục Folder Access Restriction và giới hạn việc đọc / ghi (Read / Write) cho từng người dùng.

Tương tự, bạn có thể thiết lập chế độ truy cập chung cho những người dùng trong một nhóm nhất định được quyền làm gì ở phần Share > Folder.

Về cơ bản, cách thiết lập Web Admin trên các NAS ở các bước đầu giống nhau. Riêng ở phần kích hoạt Media Server thì ở NAS LG, bạn vào tùy chọn Service > DLNA > đánh dấu chọn trước Enable > Apply để mở chế độ chia sẻ qua DLNA. Ở NAS của Buffalo, bạn vào Extensions > MediaServer > nhấn Modify Settings > chọn Enable để kích hoạt.
Lưu ý: Trong Windows 7, bạn không cần phải cài đặt phần mềm hỗ trợ nào mà chỉ cần qua các bước sau để cài đặt NAS:

- Vào Start > Control Panel > Hardware and Sound > Add a device. Sau đó đợi vài giây để hệ thống quét toàn bộ mạng nội bộ để nhận diện NAS. Trong danh sách hiện ra, bạn chọn tên thiết bị NAS và nhấn Next để cài đặt theo các chỉ dẫn.
- Khi NAS đã được nhận diện, khởi chạy Windows Media Player hoặc Windows Media Center, bạn sẽ thấy tên thiết bị hiển thị trong thư viện Other Libraries. Tất nhiên, bạn có thể truy cập và sử dụng những tài nguyên trên đó nếu được cấp quyền.
Giải pháp tiết kiệm chi phí cho việc đầu tư NAS:
Nếu bạn đang có một cỗ máy tính dùng Windows 7, cấu hình cao với dung lượng ổ cứng lên đến vài TB, thì có thể sử dụng tính năng Media Streaming tích hợp trên Windows Media Player 12 để biến nó thành một thiết bị chia sẻ tài nguyên cho các thiết bị DLNA còn lại.

- Vào Organize > Manage và thêm những dữ liệu giải trí (nhạc, phim) vào thư viện Windows Media Player.
- Khởi động Windows Media Player 12 > chọn Stream > Automatically allow devices to play my media… Nhấn tùy chọn đầu Automatically allow… để cho phép máy tính chia sẻ tài nguyên giải trí cho các thiết bị khác.

- Vào Stream > More stream options > trong danh sách những thiết bị mà hệ thống nhận dạng, bạn có thể cho (Allowed) hoặc không cho phép truy cập (Blocked) thư viện.
- Tiếp theo, bạn chọn liên kết Choose homegroup and sharing options > đánh dấu chọn trước những thư viện muốn chia sẻ như hình ảnh (Pictures), nhạc (Music)... Chúng ta cũng có thể đặt hoặc thay đổi mật khẩu truy cập (Change the password) ở mục này. Quan trọng nhất, bạn phải đánh dấu trước tùy chọn Stream my pictures, music, and videos… > Save changes để cho phép các thiết bị khác truy cập và xem nội dung được lưu trong thư viện Windows Media 12.

- Trong trường hợp Homegroup chưa được thiết lập trong Windows 7, bạn có thể nhấn Start the HomeGroup troubleshooter để hệ thống nhận dạng và thiết lập tự động cho bạn.

- Mặc dù đã thiết lập thành công, nhưng các thiết bị khác vẫn không thấy được nội dung từ Windows Media Player 12, bạn hãy vào Control Panel > System and Security > Windows Firewall > Turn Windows Firewall on or off > chọn Turn off Windows Firewall ở mục Home or work (private) network… > OK để tắt tường lửa đi.
Như vậy, máy tính của bạn trở thành một thiết bị lưu trữ và phân phối nội dung trong mạng nội bộ. Bạn có thể nâng cấp ổ cứng lên đến vài TB để chia sẻ dữ liệu cùng các thiết bị khác. Tuy nhiên, điều bất tiện nhất ở cách này là bạn phải thường xuyên bật máy tính khi các thiết bị giải trí khác sử dụng.

Bước 6: Kết nối các thiết bị với NAS

A. Kết nối đầu Blu-ray Player với NAS (minh họa trên đầu phát của hãng LG)

- Từ remote, bạn nhấn nút HOME > chọn HomeLink trên màn hình TV.

- Trong danh sách NAS mà đầu đọc nhận diện ở mục Select a Server, bạn chọn lên thư mục muốn truy cập và chọn Select. Nếu danh sách vẫn không thấy NAS, nhấn Refresh List để đầu Blu-ray nhận diện lại.

- Tiếp tục làm theo hướng dẫn ở dưới góc phải màn hình để chọn thư viện nhạc hay video để bắt đầu giải trí.
B. Kết nối máy PS3 với NASSau khi kết nối với router Wi-Fi trong mạng đã thiết lập NAS, PS3 sẽ tự động dò tìm thư viện giải trí có trên server. Khi đã tìm ra, máy sẽ tự động nhận diện và phân loại từng thể loại vào thư viện Videos, Music hay Images.

Nếu bạn không tìm thấy nội dung mới của NAS trong các mục Music hay Videos thì hãy chọn vào Search for Media Servers. Khi PS3 đã nhận ra nội dung mới, bạn tiếp tục chọn Albums > DLNA (service). Lúc này thiết bị sẽ hiển thị toàn bộ nội dung và chúng ta bắt đầu thưởng thức.
Bước 7: Thưởng thức thư viện DLNA
Giờ là lúc bạn tận hưởng thành quả. Từ các thiết bị, bạn vào ứng dụng DLNA (chẳng hạn như AllShare của Samsung) > chọn nguồn phát (Source) từ NAS > truy cập vào các thư viện nhạc, hình ảnh và bắt đầu thưởng thức.
Cách xem nội dung chia sẻ trên các dòng thiết bị khác cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần bật Wi-Fi và kết nối với router. Sau đó, khởi động chương trình DLNA tích hợp thiết bị và bắt đầu xem nội dung.

Riêng việc biến điện thoại hỗ trợ DLNA trở thành một Media Server thì một vài thiết bị có thể làm được. Việc này sẽ giúp cho bạn có thể quay video hoặc chụp ảnh bằng điện thoại và phát lên màn hình lớn nhanh chóng. Chẳng hạn với một số dòng điện thoại Android có cài ứng dụng MediaShare, bạn có thể làm được điều này khá dễ dàng với giao diện trực quan (hình minh họa trên Motorola Droid X).

Mẹo sử dụng
- Đa số các dòng sản phẩm DLNA hiện tại chưa hỗ trợ phát các định dạng MKV, MOV… Tuy nhiên, bạn hãy thử đổi đuôi của những file này thành AVI hoặc MP4 (hay những định dạng bất kỳ mà thiết bị hỗ trợ) để có thể xem được. Nếu cách này không có tác dụng thì bạn có thể sử dụng phần mềm TvMonili và chọn chế độ Enable transcoding để chương trình convert sang định dạng phù hợp với thiết bị.
- Việc hỗ trợ phụ đề rời, đặc biệt là phụ đề tiếng Việt hiện chưa được các hãng quan tâm. Ngay cả một số dòng thiết bị hỗ trợ phát phụ đề rời SRT nhưng vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt (thường là thay những ký tự có dấu thành “_” hoặc “ ”). Để xem những phim với phụ đề rời, bạn phải đổi tên phụ đề trùng với tên phim, nên viết liền không dấu hoặc cách nhau dấu “_”. Chẳng hạn, tên phim là Film_abc.avi bạn sẽ đổi tên phụ đề thành Film_abc.srt.

- Nhìn chung trên thị trường hiện tại, các dòng thiết bị của LG hỗ trợ giải trí qua DLNA khá tốt với số lượng định dạng video, audio, hình ảnh phong phú với giá cả tương đối, tiếp theo đến Samsung (đặc biệt rất hiệu quả với AllShare) và cuối cùng là Sony. Riêng với NAS hoặc router Wi-Fi thì Buffalo tỏ ra khá mạnh mẽ trong giải trí với DLNA, thiết lập nhanh và dễ sử dụng.
IV. KHẮC PHỤC NHỮNG LỖI THƯỜNG GẶP
Để vận hành một hệ thống giải trí tại gia không dây với DLNA, chắc chắn bạn sẽ gặp khá nhiều trục trặc. Sau đây là những lỗi hay gặp và cách xử lý:
1. Thiết bị không “thấy” nội dung chia sẻ từ NAS?
Dù đã hoàn thành những bước trên nhưng khi bật TV hoặc những thiết bị giải trí khác lên vẫn chưa thấy những nội dung đã chia sẻ.

Khắc phục: Từ thiết bị giải trí, bạn vào Settings > Network Settings > Server Display Settings > Options và chọn Update list. Đợi vài giây, bạn sẽ thấy những nội dung hiển thị trong các mục Photo, Music hay Video.
2. Thiết bị thấy nội dung nhưng không chơi được?
Những dữ liệu trên NAS được thiết bị nhận diện đầy đủ nhưng khi chơi màn hình chỉ dừng lại ở Loading…
Khắc phục: Bạn sẽ khắc phục được điều này bằng cách tắt router và modem khoảng 15 giây hoặc hơn. Sau đó, bật lên và truy cập lại. Nếu vẫn chưa được, bạn hãy khởi động lại NAS (hoặc máy tính – nếu dùng máy tính làm Media Server). Cuối cùng, bạn hãy tắt hẳn ứng dụng DLNA trên thiết bị và chạy lại.
3. Những nội dung yêu thích không có trong thư viện?
Tìm trong thư viện giải trí nhưng không thấy những bộ phim HD-Rip, hình ảnh, nhạc yêu thích? Mặc dù vẫn có những file khác cùng thư mục?

Khắc phục: Bạn hãy xem kỹ lại, những thiết bị của bạn hỗ trợ định dạng file nội dung nào. Có thể những file có định dạng mà thiết bị không hỗ trợ sẽ không được liệt kê hoặc có hiển thị nhưng với icon là dấu chấm hỏi kèm theo đó là tên Unsupported data trên một số dòng thiết bị. Lúc này, như đã đề cập ở trên, bạn hãy đổi tên đuôi của file nội dung (với một số file video HD Rip sử dụng codec mà thiết bị phát hỗ trợ) hoặc dùng ứng dụng hỗ trợ chuyển định dạng (Convert) để đưa về nội dung có thể xem được.
Từ khi DLNA trở thành một tiêu chuẩn công nghiệp, nhiều hãng phần mềm đã bắt tay vào việc phát triển ứng dụng phục vụ cho các thiết bị dạng này, từ DLNA Media Server software cho đến DLNA Client app. Riêng với ứng dụng biến máy tính thành máy chủ chia sẻ DLNA Media Server thì hiện tại nổi bật nhất là Serviio (http://www.serviio.org). Đây là ứng dụng miễn phí hỗ trợ cả nền Windows, Linux và Mac OS X. Đặc biệt, tính năng hỗ trợ stream nhiều định dạng video, nhạc, hình ảnh và phụ đề rời dạng SRT rất tốt. Ngoài ra, còn có các ứng dụng khác như Twonky Media (http://www.twonkymedia.com), TVMOBiLi (http://www.tvmobili.com), XBMC (http://xbmc.org) hay Samsung PC Share Manager (kèm theo các dòng sản phẩm hỗ trợ DLNA của Samsung). Bạn cũng có thể tìm kiếm trên Internet với từ khóa “dlna server software” sẽ có thêm nhiều tùy chọn.
4. Định dạng được thiết bị hỗ trợ nhưng không chơi được?Mặc dù thông số liệt kê là hỗ trợ những định dạng mà bạn đang muốn xem nhưng thực tế lại không thể chơi được.

Khắc phục: Trước tiên, bạn hãy cập nhật firmware mới nhất của thiết bị. Bạn có thể truy cập vào trang Hỗ trợ (Support) của nhà sản xuất để tham khảo cách cập nhật và tải firmware mới. Chẳng hạn với NAS Buffalo, bạn có thể vào http://www.buffalotech.com/support/downloads/ và tìm kiếm firmware. Có thể bản cập nhật mới nhất sẽ giải quyết được tình huống này.

Nếu vẫn không giải quyết được, bạn có thể áp dụng cách thứ hai (với Media Server là máy tính) là nhờ software transcode đến thiết bị. Có một cách nâng cao được nhiều “dân chơi” sử dụng là ép thiết bị đọc định dạng mà nó không hỗ trợ bằng cách đổi mime type trên Media Server. Chẳng hạn mp4=video/x-msvideo hoặc mkv=video/x-msvideo… Tuy nhiên, cách này thường không đem lại kết quả như mong muốn bởi có thể video sẽ hiển thị được nhưng gặp hiện tượng giật, nhòe hoặc không có âm thanh và không phải thiết bị nào cũng hỗ trợ thay đổi mime type. 


Đỗ Nguyên

Facebook Google twitter
Từ khóa:
Cùng Chuyên Mục
Blogger Comments
Facebook Comments

Tin Tức Online
Xem Thêm Tất Cả »
Góc Chia Sẻ
Xem Thêm Tất Cả »
Game - Ứng Dụng Hay Tháng 8
Xem Thêm Tất Cả »
Góc Thư Giản
Xem Thêm Tất Cả »
Bài Viết Ngẫu Nhiên
Copyright © 2016 - All Rights Reserved
Template by Bùi Đạt - Powered by Blogger | SiteMap