Ai mà hình dung nổi chứ. Mẹ gói ghém toàn bộ đồ đạc của hai mẹ con, tới trường học của tôi rút hồ sơ và tống tôi lên một cái xe tải chuyên chở đồ. Ngồi trên xe cả ngày trời cuối cùng tôi cũng được thả xuống dưới đất để hít thở khí trời.

Khi đặt chân xuống dưới đất tôi mới hay mình đang đứng trên một con đường trải nhựa có vẻ cũ kỹ và đầy bụi. Đó là con đường chính của cái thị trấn nhỏ. Nơi mà mẹ từng nói là rất tuyệt vời khi thấy tôi lo lắng và tỏ ra ngang bướng, không chịu thu xếp đồ đạc khi mẹ thông báo cái tin mà tôi cho là khủng khiếp nhất đời mình: “Chúng ta sẽ chuyển nhà, con trai ạ.”

Một cái thị trấn nhỏ. Không có vẻ gì là sầm uất và nhiều khu vui chơi, nhà hàng cũng như quán kem mà tôi ưa thích ở trên thành phố. Và cái thị trấn này chào đón tôi bằng một màn bụi đỏ mù mịt khi có một chiếc xe tải chạy qua. Màn chào đón cư dân mới kiểu đó khiến tôi ho sặc sụa.
- Mau giúp mẹ chuyển đồ vào trong nhà đi.
Chưa kịp dứt cơn ho, tôi đã nghe thấy tiếng mẹ nhắc nhở. Lót tót chạy ra phía sau xe tải, tôi mới hay mẹ và người tài xế đã bốc dở được một số món đồ ra khỏi thùng xe.
Những thứ đồ được lấy ra khỏi thùng xe đang được đặt trước bậc thềm của một ngôi nhà hai tầng, xây theo kiểu biệt thự với lối kiến trúc Pháp. Mặc dù ngôi nhà nhỏ và khá cũ kỹ nhưng tôi vẫn thấy nó có gì đáng thu hút. Lối kiến trúc khiến cho ngôi nhà có một vẻ gì đó bí ẩn. Hệt như một người đàn ông đang nhìn tôi và mỉm cười. Nụ cười đầy ý nghĩa. Còn ý nghĩa gì thì tôi không biết. Đó là những gì tôi cảm nhận về ngôi nhà mới của mình.
- Xe xuống trễ hơn dự định hai tiếng!
Giọng một người đàn ông vang lên khiến tôi chú ý. Tôi quay lại, thấy mẹ đang đứng lau mồ hôi trên trán bằng lưng bàn tay, vừa cười với một người đàn ông khoảng bốn mươi lăm tuổi, dáng cao lớn, da ngăm đen, tóc cắt sát da đầu nhìn giống hệt như là ông ta chơi trội, cắm một đống đinh loại 1cm lên đầu.
Tôi không có thiện cảm với người đàn ông vừa mới xuất hiện đó. Mặc dù mẹ đang tươi cười và nói bằng giọng khá thân thiện với ông ta.
- Em không nghĩ là việc chuyển đồ lên xe ôtô lại chiếm nhiều thời gian như thế. Anh chờ mẹ con em có lâu không?
- Bằng khoảng thời gian em chuyển đồ lên xe.
A! Người đàn ông có lối trò chuyện khá là hay ho. Một kiểu hài hước kín
đáo. Mặc dù tôi không thấy ông ta cười khi nói. Nhưng nét mặt có vẻ dễ chịu.
Người đàn ông chiếu tia nhìn vẻ dò xét về phía tôi và lên tiếng. - Cậu nhóc của em đây hả?
- Anh có thấy nó khác lắm so với hồi nhỏ không?
Người đàn ông nhìn tôi từ ngón chân lên tới chỏm tóc rồi gật đầu một cái. - Khác. Giống hệt kẻ đó!
Mẹ bật cười vui vẻ và đập vào tay người đàn ông. - Anh vẫn chẳng thay đổi chút nào.
Kỳ lạ! Tôi chưa bao giờ thấy mẹ vui đến thế. Kể từ ngày bố tôi mất trong một tai nạn giao thông. Điều này khiến cho tôi thắc mắc ghê gớm. Người đàn ông này có quan hệ như thế nào với mẹ? Tại sao mẹ lại thích chuyển về đây ở? Có phải vì người đàn ông này không? Mà tại sao người đàn ông kia lại nhận xét là “Giống kẻ đó” sau khi quan sát tôi? Kẻ đó là ai? Cái kiểu nói chuyện của ông ta khiến tôi muốn phát điên lên được. Nhưng tôi nhất định không chịu thua.
Lôi cái mớ lý luận kiểu con cua, con ghẹ của một thằng nhóc mười ba ra để phân tích mọi vấn đề, tôi nhận ra rằng ông ta nói đến “kẻ đó” chính là bố tôi. Tất cả mọi người quen biết với gia đình tôi đều thừa nhận rằng tôi giống bố như đúc. Và từ hồi nào tới giờ tôi chưa thấy mình giống ai ngoài bố cả.
Điều tôi vừa phát hiện ra lại nảy ra một câu hỏi khác trong cái đầu ưa thắc mắc của mình. Đó là tại sao cái ông to con với nước da đen thùi kia lại gọi bố tôi là “kẻ đó”? Không lẽ giữa bố và người đàn ông này có vấn đề? Mà vấn đề đó là gì mới được chứ?
Tôi không trả lời được. Nhưng rõ ràng là có rất nhiều chuyện xung quanh gia đình của chính tôi mà tôi lại mù tịt.
- Cậu nhóc thấy chú thế nào?
- Ơ…
Bất thình lình người đàn ông dừng trước mặt tôi và hỏi khiến tôi giật mình, ngớ người ra không biết trả lời ra làm sao.
Người đàn ông vẫn chiếu ánh mắt xuống cái mặt đần thộn của tôi. Ánh mắt đó chứa đựng sự chế giễu ngấm ngầm. Đúng thế. Cái mặt của tôi chắc thộn ghê gớm mới khiến cho ông ta có cái nhìn như vậy.
- Sao? Có thấy chú giống với người bình thường không? - Ơ… có...
Tôi trả lời như một thằng ngố tàu.
Người đàn ông nhướng một bên lông mày lên và nói với tôi bằng cái giọng nửa như nài nỉ, nửa như ra lệnh. Hơn nữa, tôi còn thấy sự giễu cợt trong câu nói của ông ta.
- Vậy cậu nhóc làm ơn đừng đứng đực ra đó để nhìn chú lom lom như thế.
Hãy khuân những thứ đồ của mình vào. Phải ra dáng đàn ông trong gia đình
chứ.
Nói xong người đàn ông đứng im chờ tôi đứng né sang một bên. Lúc này tôi mới nhận thấy cái rương đựng toàn sách quí của mẹ nằm chình ình trên vai người đàn ông. Và tôi đang đứng chắn ngang lối đi lên bậc thềm của ngôi nhà có bộ mặt như của người đàn ông biết cười.
Cái nhướng mày thứ hai của người đàn ông khiến tôi vội vàng né sang một bên. Chẳng thèm nhìn đến tôi, người đàn ông đó sải những bước dài đi vào trong cánh cửa của ngôi nhà đầy bí ẩn. Tất nhiên là đối với tôi rồi!
Như đã nói ngay từ đầu là tôi không có thiện cảm gì với ông ta nhưng phải thừa nhận là với vóc dáng to lớn cùng nhứng bước chân vững chãi của mình, ông ta khiến tôi có cảm giác yên lòng đến lạ lùng. Chắc hẳn mẹ cũng có cảm giác đó như tôi nên mới thân thiện và thoải mái với ông ta đến thế.
- Nhanh chân lên con trai!
Mẹ một vai khoác cái ba-lô đựng quần áo to đùng của tôi, hai tay cầm hai cái dây buộc chắc chắn quanh hai cái thùng các-tông nặng trịch đi vào. Nhìn vai mẹ trễ hẳn xuống làm tôi thấy mình không thể đứng yên được. Đúng là phải ra dáng một người đàn ông trong gia đình rồi. Dẫu sao thì hiện giờ gia đình tôi cũng chỉ có tôi là người đàn ông duy nhất. Mẹ là phụ nữ mà.
Tôi ôm cái túi đựng đống đồ chơi và xách cái thùng đựng giày của mình đi vào trong nhà. Vì chưa được biết mình sẽ được ở phòng nào nên tôi cứ để hết đồ ở chân cầu thang. Song, tôi quay trở ra ngoài đường. Lúc ra, tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy có thêm ba người đàn ông nữa tới giúp mẹ chuyển đồ ra khỏi cái thùng xe tối như hũ nút, đã nhốt tôi suốt quãng đường từ thành phố về đây.
Họ vừa làm, vừa trò chuyện với nhau theo kiểu khẩu lệnh. Rất ngắn gọn. Họ có vẻ kiệm lời. Tôi có thể khẳng định như thế. Có điều tôi không thấy họ cười đùa như người đàn ông “đầu đinh 1cm”. Chắc họ không thể cười đùa trong lúc làm việc được.
Nhìn họ khênh cái tủ làm bằng gỗ sồi chắc chắn của mẹ một cách khá chật vật. Mồ hôi ướt đẫm cả lưng áo của họ. Chúng khiến cho tôi thấy những tấm lưng vạm vở, chắc nịch của những người đàn ông đã trưởng thành. Và tôi ước ao sau này tôi cũng sở hữu được thân hình như thế.
Nghĩ thế nên tôi cười. Đúng! Tôi đứng cười một mình. Hình như những người có mặt trước cửa nhà tôi đều tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi cười một mình. Mà có lẽ có một kẻ nào đó khác nữa cũng trố mắt ngạc nhiên khi thấy tôi trong bộ dạng đó. Khi phát hiện ra có người nhìn mình từ bên kia đường tôi liền
nhướn người, dướn cổ ngó nghiêng khắp nơi nhưng tuyệt nhiên không phát hiện ra kẻ đó là ai. Chắc có lẽ tôi bị ám thị bởi mình là kẻ lạ mới chuyển đến đây. Cái thị trấn nhỏ đã chào đón tôi bằng màn bụi đỏ khiến tôi phải ho sặc sụa hồi nãy. Phải nói thêm với các bạn về một cái tật mà tôi cho rằng nó chẳng gây phương hại gì đến ai và ngay cả bản thân tôi nữa. Mà mọi người vẫn thường nói đó là thuốc bổ cho cuộc sống của con người. Tôi có tật hay cười!
Cái thị trấn nhỏ giàu lòng mến khách có một màn chào đón bằng bụi khiến tôi ho sặc sụa hệt như một kẻ bị sặc nước ấy, nó còn làm tôi khó chịu hơn nữa khi đã thực sự sống ở đây.
Này nhé. Các bạn có thể tưởng tượng thói quen hàng ngày của tôi như nào không?
1. Sáng ngủ dậy, vệ sinh cá nhân xong, ăn điểm tâm do mẹ nấu rồi chạy ra bến đợi, lên xe bus ngồi ung dung chờ đến lúc bác tài xế thông báo đã đến trường. Bác lái xe bus của trường tôi có giọng nói trầm ấm, truyền cảm. Tôi thường ngồi nán lại để nghe bác nhắc tôi xuống xe. Mỗi khi lên xuống xe tôi đều chào hỏi bác để được nghe giọng nói ấy của bác. Và trong mỗi tuần, khi nhận xét học sinh của các lớp bác luôn làm cho thầy giáo chủ nhiệm của tôi cảm thấy tự hào vì mình dạy dỗ học sinh rất tốt. Bác luôn nhận xét tôi là đứa trẻ ngoan, lễ phép và có giáo dục.
2. Trưa, tôi ăn cùng các bạn ở căn-tin rồi nghỉ trưa.
3. Chiều, bắt đầu học tiếp.
Tan học, tôi lại lên xe bus và xuống chỗ bến đợi gần nhà.
Trước khi trở về nhà, tôi rẽ vào hàng kem quen thuộc. Ăn một cốc kem sôcôla to bự. Phần thưởng của tôi sau một ngày chăm chỉ học hành. Điều khoản này đã có từ khi bố tôi còn chưa qua đời cơ.
4. Tối, ăn cơm xong tôi được mẹ làm cho một cốc nước ép trái cây hoặc rau củ. Nước ép được mẹ để lạnh uống tới đâu, mát lịm tới đó. Ăn uống xong tôi cùng mẹ xem ti-vi khoảng ba mươi phút. Đó là khoảng thời gian tôi được thư giãn và được ngồi bên cạnh để hít thở mùi mồ hôi thơm thơm quen thuộc của mẹ. Sau đó tôi lên phòng riêng học bài. Và cuối cùng là vệ sinh cá nhân rồi nằm lên giường, đắp chăn và nhắm mắt. Alêhấp. Ngủ!
Tất nhiên cũng có những buổi tối ngoại lệ. Những tối đó thường là cuối tuần hoặc ngày lễ, tết. Mẹ sẽ đưa tôi đi ăn ở ngoài, đi chơi, xem ca nhạc, xem phim. Về nhà ông bà nội, ông bà ngoại. Ngày bố chưa mất vì cái tai nạn khủng khiếp và đáng ghét kia thì cả gia đình chúng tôi đi cùng nhau. Bây giờ chỉ còn lại tôi và mẹ. Tất nhiên. Tôi là “vệ sĩ” bảo vệ mẹ khỏi những tên đàn ông đáng ghét vẫn mua kem cho tôi ăn.
Một môi trường sống đầy đủ và tiện nghi!
Một cuộc sống tuyệt vời như ở trên thiên đường! Nơi có chúa.
Tất nhiên là trừ những lúc tôi bị mẹ phạt vì tội quậy phá ở trường hoặc không nghe lời. Kinh khủng nhất vẫn là cái tai nạn chết tiệt đã cướp đi người bố rất rất tuyệt vời của tôi. Bố luôn là người hiểu tôi nhất. Cùng cánh đàn ông mà.
Vậy mà đùng một cái, tôi phải về sống ở cái thị trấn có lèo tèo vài đại lý bán tạp phẩm, vài cửa hàng giải khát suốt ngày mở cái thứ nhạc vàng ê a buồn tình, chia ly đến não cả lòng. Cửa hàng bán kem kiêm tạp phẩm có vài thứ kem que cứng ngắc cứng ngơ, cắn một miếng mà muốn gãy luôn cả hàm răng ngà ngọc của tôi. Nhưng ngoài mấy thứ kem đó ra chẳng còn loại kem nào khác nên tôi đành lòng chấp nhận việc mỗi ngày nhận phần thưởng của mình bằng một que kem sôcôla nhưng không hề có vị sôcôla. Mặc dù phải thừa nhận là nó cũng có một thứ màu như màu của sôcôla. Kệ! Có còn hơn không.
Ôi, đâu đã hết. Còn có việc kinh khủng hơn. Đó là thay vì được đi xe bus của trường học như trên thành phố, ở cái thị trấn này tôi phải đi bộ đến trường. Trường học cách nhà tôi tới 2km.
Mẹ thì rất thương tôi. Mẹ nói tới sinh nhật tôi, món quà mà mẹ gửi mua từ thành phố là một cái xe đạp thật đẹp, thật oách.
Từ nay đến sinh nhật của tôi còn hai tháng nữa. Tôi sẽ phải đi bộ hai tháng nữa!
Tất nhiên là còn nhiều thứ kinh khủng khác mà tôi phải chịu đựng khi sống ở cái thị trấn nhỏ như lỗ mũi này. Đã hơn ba lần tôi đề nghị, không, tôi năn nỉ, van nài mẹ chuyển về thành phố. Mẹ không đồng ý. Tôi lại tiếp tục năn nỉ với sáng kiến là tôi về ở với ông bà ngoại ở ngoại ô. Mẹ không đồng ý!
Mẹ tôi là phụ nữ nhưng rất cứng rắn. Đã không đồng ý thì thôi, mẹ còn tuyên bố là nếu như tôi còn lôi vấn đề này ra một lần nữa thôi, mẹ sẽ chuyển đến một nơi khác còn hoang vắng hơn cả cái thị trấn này.
Điều này quả là có công hiệu. Tôi chẳng dám hó he đến việc chuyển về thành phố thêm một lần nào nữa.
Điều đó có nghĩa là tôi vẫn phải tiếp tục sống ở cái thị trấn đầy lòng hiếu khách này. Và điều đó cũng có nghĩa là tôi tiếp tục phải chịu đựng những chuyện kinh khủng hơn.
Các bạn đoán biết những điều kinh khủng đó là gì không? Tồi tệ lắm!
Mối quan hệ của tôi với các thầy cô giáo và lũ bạn ở lớp học mới. Tất nhiên là trong ngôi trường duy nhất của cái thị trấn có màn chào đón cư dân mới khá là độc đáo và thân thiện này. Màn bụi mù khiến tôi phải ho sặc sụa!
ác bạn biết rồi đấy. Hẳn các bạn cũng gặp rồi đúng không. Tất nhiên. Ai trong đời mà chẳng gặp những thầy, cô giáo hay cắm cảu, khó tính như “bà cô ế chồng”. Không tin à. Vậy các bạn thử nhớ lại mà xem. Cả một đời cắp sách tới trường chúng ta gặp biết bao nhiêu là thầy, cô giáo. Trong số đó nhất định thế nào cũng có một người tính tình khó chịu, mặt mũi lúc nào cũng chàu quạu, khó
đăm đăm.
Biết là như thế nên không có gì phải khó chịu cả. Tất nhiên là ngoại trừ việc gặp phải một người như là cô giáo Hoa Quỳnh của tôi. Người mà mãi sau này tôi mới biết rằng bọn học sinh trong trường gọi là “hoa Quỳnh nở muộn”. Vì cô ba mươi sáu tuổi rồi nhưng vẫn chưa lấy chồng.
Lũ học trò gọi một cách “văn vẻ” như vậy để thay cho câu nói nghe có vẻ không láo lếu, tất nhiên là từ miệng những đứa học sinh hỉ mũi chưa sạch như chúng tôi. Chứ còn câu này tôi vẫn thấy mấy người lớn nói với nhau. Mà khi nói thì họ có nhiều trạng thái lắm. Có người cười hềnh hệch đầy vui vẻ. Có người lại tỏ ra bực mình. Câu nói mà ở trên tôi đã nói rồi ấy: bà cô ế chồng!
Tôi không biết những người ế chồng thì như thế nào nhưng cô Hoa Quỳnh - cô giáo chủ nhiệm ở cái trường duy nhất trong thị trấn này, cô chưa lấy chồng và cực kỳ khó tính. Trời ạ. Không phải khó tính thông thường đâu. Phải nói là cô Hoa Quỳnh là người quái ác. Bởi vì sao. Bởi vì không buổi học nào mà cô không làm tình làm tội tôi. Trong khi đó, lúc còn học ở trên thành phố ấy. Thi thoảng tôi mới bị thầy giáo phạt thôi. Một tuần tôi chỉ phạm lỗi vào những ngày đi học. Còn ngày nghỉ thì tôi chẳng phạm lỗi lầm gì ở lớp cả. Tôi là đứa học trò ngoan và lễ phép. Bác lái xe bus của trường tôi vẫn nhận xét vào sổ nhận xét của lớp tôi như thế mà.
Thôi, tôi trở lại chuyện ở trường mới, lớp mới của tôi. Là cô Hoa Quỳnh ấy. Cô hành hạ tôi rất là nhiều. Nhưng phải nói là cái hôm 13 tháng 4 ấy. Tôi nhớ chính xác bởi vì hôm ấy tôi đã đến trường trễ mất hai mươi lăm phút lại còn bị đứt mất cả quai dép. Không những thế hôm ấy còn là vào thứ 6, ngày 13 nữa.
Một con số đen đủi, liên quan đến quỉ sa-tăng. Tất nhiên là tôi nghe người lớn nói thế!
Nguyên trong buổi học của cái ngày đen tối ấy cô Hoa Quỳnh đã làm khổ tôi như sau:
l. Cô Hoa Quỳnh dùng thước kẻ đánh vào lưng bàn tay của tôi vì tôi cầm bút không đúng tư thế. Và vì tôi viết bằng cây bút bi, thay vì cây bút máy như các bạn khác trong lớp.
2. Cô Hoa Quỳnh véo tai tôi đến mức nó suýt rụng chỉ vì tội trong giờ chính tả, tôi quay sang hỏi Quân - thằng bạn ngồi bên cạnh là chữ “ngoằn ngoèo” viết như thế nào.
3. Cô bắt tôi đứng trên bảng, trước năm mươi tư cặp mắt của bọn bạn trong lớp để đọc bảng cửu chương bảy. Mặc dù cô Hoa Quỳnh biết thừa là tôi không thuộc.
4. Cô Hoa Quỳnh bắt tôi ngồi lại lớp trong giờ ra chơi để chép phạt một trăm lần câu “Em hứa từ nay sẽ không dính bã kẹo cao su ra bàn nữa ạ.”
5. Cô “hoa Quỳnh nở muộn” còn đưa tôi lên gặp Ban giám hiệu vì tôi đã dám cười khi mà cô đang mắng tôi. Thật là oan ức! Cười đâu phải là lỗi của tôi kia chứ. Tôi có tật hay cười mà. Mà như tôi đã nói từ trước rồi. Cái tật hay cười của tôi không gây phương hại cho bản thân tôi hay bất kỳ người nào khác. Vậy cho nên chắc chắn nó cũng không gây phương hại nào cho cô giáo chủ nhiệm của tôi cả. Tôi cười khi cô đang mắng tôi thì có hại gì cho cô nào.
Qua chuyện này tôi thấy có lẽ cả cuộc đời của cô ba mươi sáu năm qua có khi chẳng bao giờ cô Hoa Quỳnh cười cả. Lúc nào cũng thấy cô khó đăm đăm. Nhất là cô không ưa gì bọn con trai chúng tôi cả. Cứ theo độ gần của hai đầu lông mày của cô Hoa Quỳnh là biết được trạng thái của cô. Hôm đó hai đầu lông mày của cô dính sát vào nhau, nhìn như thể ai đó kẻ một đường chì màu đen trên trán của cô vậy.
Nhìn thấy hàng lông mày của cô như thế, bọn trong lớp nín khe. Đứa nào cũng ngồi thẳng lưng, hai tay khoanh trên bàn và gần như nín thở. Còn tôi, lúc đó tôi thấy lông mày của cô thật kỳ cục, giống hệt lông mày của mấy anh chàng cục mịch, ngố tàu trong bộ truyện tranh mà tôi đã đọc. Mỗi lần đọc truyện là nước mắt nước mũi tôi giàn giụa vì những trò ngố tàu của mấy anh chàng đấy. Tôi nhớ lại bộ dạng của những anh chàng đó. Thế là tôi cười!
6. Cô Hoa Quỳnh bắt tôi chép phạt lần nữa. Câu “Em hứa sẽ tập trung nghe thầy cô giáo giảng bài”.
7. Cô Hoa Quỳnh bắt tôi phải mang một chậu cây cảnh về chăm sóc qua đêm. Thật khốn khổ cho thân tôi.

Trong lớp, không, có lẽ trong cuộc đời mình, cái cuộc đời với ba mươi sáu năm mà chưa lấy chồng của mình, cô Hoa Quỳnh chỉ ưa có hai thứ. Đó là cây hoa thủy tiên và con Hoán Vân. Cái cây hoa thủy tiên được đặt trong một cái chậu bằng thủy tinh được làm tinh xảo và rất nghệ thuật. Cô Hoa Quỳnh luôn để chậu hoa thủy tiên trên bàn của mình.

Còn đứa sở hữu cái tên Hoán Vân có nghĩa là đám mây nhiều màu sắc ấy. Nó là một con nhỏ rất kiêu ngạo. Nó biết mình là đứa xinh xắn, học giỏi. Mà nó cũng biết rõ mình là một đứa láu cá. Ở trong lớp người mà cô Hoa Quỳnh yêu quí nhất là nó. Chẳng bao giờ tôi thấy cô cười. Vậy mà có lần cô gần như là mỉm cười với nó vì thế mà mọi người biết nó là đứa học trò cưng của cô. Và ở trong lớp, bao giờ cô Hoa Quỳnh cũng sai nó chuyển tin tức cho các thầy, cô giáo khác. Không những thế, cô còn luôn luôn lấy bài tập của nó làm gương trước cả lớp. Điều đặc biệt hơn là chưa bao giờ tôi thấy cô “hoa Quỳnh nở muộn” khó tính quở phạt nó. Ngay cả khi nó cũng mắc những sai lầm như những đứa khác ở trong lớp.
Vào cái hôm xui xẻo đó, lúc sắp sửa hết giờ học ấy, cô Hoa Quỳnh đã lên tiếng khiến cả lớp phải chú ý.
- Hoán Vân, em có thể cho cô biết ý kiến của em được không? Theo em, hôm nay bạn nào sẽ được mang cây thủy tiên về nhà chăm sóc qua đêm.
Trời ơi. Làm như việc chăm sóc và tưới tắm cho cái cây quỉ đó là một điều vinh dự lắm không bằng. Cô Hoa Quỳnh chỉ không muốn để cái cây đó lại lớp qua đêm vì sợ bụi bặm lúc bác lao công dọn vệ sinh. Quan trọng hơn là cô không muốn vì vô tình hay cố ý mà ai đó làm vỡ mất cả cái chậu hoa được người bạn thân của cô làm bằng thủy tinh hết sức tinh xảo.
Nghe cô Hoa Quỳnh hỏi, con nhỏ Hoán Vân đáng ghét ấy liền đứng lên, nhìn khắp cả lớp với vẻ khoái trá. Còn gì hãnh diện hơn khi được cô giáo giao cho trọng trách là lựa chọn người chăm sóc cây thủy tiên. Và lớp tôi thì hầu như đứa nào cũng sợ việc đấy. Chăm sóc cây hoa thì đơn giản. Nhưng lỡ mà vì một lý do nào dó khiến cây hoa héo rũ, cái chậu hoa bằng thủy tinh vỡ vụn thì chỉ có nước bỏ học, ở nhà luôn để khỏi phải hứng chịu cơn thịnh nộ của cô “hoa Quỳnh nở muộn”mà thôi.
Và cái nhìn đầy khoái trá của con nhỏ đáng ghét ấy như thể đóng đinh vào mặt tôi. Ánh mắt của nó khiến tôi thấy cổ họng mình có vẻ khô hơn bình thường. Tôi không muốn mang cái cây hoa thủy tiên đó về nhà làm gì. Mang về nhất định là có chuyện xảy ra. Tôi như đã linh cảm thấy điều đó. Và tôi lắc đầu ra hiệu cho nó:
- Đừng! Đừng chỉ định tớ!
Cái con nhỏ có cái tên nghe có vẻ màu sắc nghệ thuật ấy nhếch mép cười đầy tinh quái. Nó chỉ tay vào thẳng người tôi và nói gần như hét lên.
- Thưa cô, bạn Hải Thiên ạ. Bạn ấy là người mới chuyển đến lớp ta, là người mới đến thị trấn sinh sống nên ắt hẳn giao cây thủy tiên cho bạn ấy thì cây sẽ phát triển rất tốt tươi ạ.
Tôi trợn mắt, nghiến răng. Cái con Hoán Vân đáng ghét kia dám phớt lờ ý kiến của tôi. Máu trong người sôi lên. Tôi muốn điên lên được khi nhìn cái nhếch mép cười cợt đáng nguyền rủa của con nhỏ. Nó có vẻ hả hê khi đã chơi xỏ được tôi.
Tôi muốn nguyền rủa cho nó không bao giờ có được nụ cười thoải mái!
Cô Hoa Quỳnh nhìn tôi với ánh mắt biểu thị sự không yên tâm. Cô rõ là không tin tưởng ở tôi. Có lẽ đây là cơ hội để tôi từ chối cái việc chăm sóc ngớ ngẩn này. Tôi vội vàng lên tiếng.
- Thưa cô, em không rành lắm về cái việc cây trồng trong chậu đâu ạ. Xin cô giao việc này cho một bạn nào khác đáng tin tưởng hơn chăm sóc ạ.
Con nhỏ Hoán Vân tỏ ý phản đối. Nó dài giọng.
- Bạn đang trốn tránh nhiệm vụ của mình phải không, Hải Thiên?
Cô Hoa Quỳnh nhíu hai hàng lông mày của mình lại, giọng của cô nghe có vẻ cứng rắn và hơi khó chịu.
- Hải Thiên, cô là người không dễ thay đổi quyết định của mình. Hoán Vân đã đề cử em thì cứ thế mà làm, không bàn tới bàn lui lôi thôi gì nữa. Tan học em hãy mang chậu cây thủy tiên này về nhà.
Cả lớp ngồi im, mắt nhìn thẳng lên bảng. Không một đứa nào dám lên ý kiến để bênh vực cho tôi, phản đối lại cái việc đề cử đề cao của con nhỏ Hoán Vân đáng ghét đang đứng nhơn nhơn kia. Và khi cô giáo đi về phía tôi, cả lớp đều nín thở để chờ đợi xem cô sẽ nói gì, làm gì tiếp theo.
Cô tới chỗ tôi, cúi xuống gần mặt tôi. Tôi nghe hơi thở của cô có mùi bạc hà. Không hiểu sao lúc này tôi thấy mùi bạc hà thật đáng ghét. Mặc dù dì tôi cũng có mùi bạc hà và tôi rất yêu dì.
Không chỉ mùi bạc hà, mà ngay cả thái độ và giọng nói của cô Hoa Quỳnh lúc này cũng trở nên kinh khủng. Hệt như lúc này là một người khác đang nói với tôi chứ không phải cô giáo chủ nhiệm của tôi nữa.
- Hãy chú ý chăm sóc cho cẩn thận. Nếu như cây thủy tiên này mà chết, cái chậu bằng thủy tinh trong trẻo kia mà sứt mẻ thì ta sẽ giết mi.
Vừa nói, cô Hoa Quỳnh vừa làm động tác hết sức “xã hội đen”, đó là đưa hai ngón tay trỏ và giữa lên vạch một đường ngang cổ hệt như là người ta dùng dao cắt ngang cổ vậy.
- Cái chậu đấy là do một người rất quan trọng làm ra đấy. Nếu có chuyện gì xảy ra với nó thì ta sẽ băm viên, chiên giòn mi như chiên bò viên vậy.
Nhìn bộ dạng của cô “hoa Quỳnh nở muộn” lúc này giống như bộ dạng của mấy anh chàng ngố tàu trong chuyện tranh mà tôi vẫn đọc. Giống hệt việc đi dọa dẫm bắt nạt người khác.
Điều đó làm cho tôi thấy ngao ngán thay vì thích thú và buồn cười như khi đọc truyện. Cô Hoa Quỳnh đâu phải là đàn ông. Cũng không phải là mấy nhân vật trong truyện tranh.
Cả lớp xách cặp ra về. Tôi chán nản tiến về phía bàn giáo viên và thở dài. Sau cái thở dài, tôi khoác lại cái cặp sách của mình rồi ôm cái chậu thủy tinh có cây hoa thủy tiên vào trước bụng. Tôi chép miệng, tự nhắc nhở mình.
- Có chuyện gì với cái thứ của nợ này là mình lãnh tội ngay lập tức!
Và không biết bao nhiêu lâu sau thì tôi về được tới nhà. Vì tôi không có xe đạp như những đứa khác. Mà từ khi vào học ở đây, tôi chưa bao giờ đi nhờ xe của đứa nào trong lớp cả. Nói cách khác là chúng cũng không muốn cho tôi đi nhờ xe. Ngay cả thằng Quân ngồi cạnh tôi cũng thế. Chẳng sao! Chỉ hai tháng nữa là tôi có cái xe đạp của riêng mình. Lúc ấy cũng là lúc tôi bước sang tuổi mười ba. Ngấp nghé tuổi của một chàng trai trưởng thành. Chỉ năm năm nữa là tôi đủ tuổi mười tám. Nói đến lúc tôi bước sang tuổi mười ba, tôi sẽ có một cái xe đạp. Một cái xe đạp rất oách được mua từ thành phố. Nó sẽ hơn hẳn những cái xe đạp được bày bán ở trong cái thị trấn chán đời này.
Ờ, mà tôi hay gọi đây là cái thị trấn chán đời kể từ khi tôi phát hiện ra rằng hầu như cả cái thị trấn này, ai ai cũng không cười đùa gì với nhau cả. Nếu có ai đó cười thì hẳn đó là một cái nhếch mép mà thôi.
Ngay như người đàn ông có tên là Hoan đó, người đàn ông đã giúp mẹ tôi chuyển đồ ngày mới tới thị trấn này ấy. Người mà sau này mẹ kêu tôi gọi bằng chú Hoan. Nghe cách nói chuyện của chú Hoan thì thấy thật dí dỏm, khôi hài nhưng nhìn mặt chú tuyệt nhiên không có một nụ cười.
Và không hiểu vì sao từ khi chuyển về đây ở, tôi thấy mẹ cũng chưa cười một lần nào. Tất nhiên là trừ hôm đầu tiên!
Tôi phải đi bộ trong khi lưng đeo cặp sách nặng trĩu và hai tay ôm chặt cái chậu hoa thủy tiên đáng ghét trước bụng. Vì thế mỗi bước đi của tôi đều phải hết sức thận trọng. Phải nhìn đường xem có ổ gà, gạch đá nào khiến tôi vấp ngã hay không. Phải bước chậm và nhẹ nhàng để tránh làm nước trong chậu hoa sánh ra ngoài, làm bẩn cái áo trắng của tôi. Mẹ đã tuyên bố từ năm ngoái, rằng nếu mẹ nhìn thấy vết bẩn nào dây trên quần áo tôi, mẹ sẽ không giặt tẩy nữa mà để thế cho tôi mặc. Mà tôi thì không thích mặc đồ có những vết bẩn. Nhưng phải kể cho các bạn nghe là tôi có thêm tật nữa. Tật hay làm dây mực và những thứ khác như kem hoặc nước sốt, tương ớt lên áo quần!
Cái kiểu đi bộ đầy thận trọng và chậm chạp, vừa đi vừa nguyền rủa cái con nhỏ Hoán Vân đáng chết ấy của tôi, giống hệt như mấy vị thầy chùa mặc áo vàng hở nửa lưng, đầu trọc lóc mà lại chẳng đội mũ nón gì hết, đi chân đất, một tay cầm cái bát đồng, một tay lần tràng hạt, miệng lẩm bẩm tụng kinh niệm Phật mà thi thoảng tôi thấy ở ngoài đường. Có điều ngoại hình của tôi không to lớn được như những vị mặc áo cà sa vàng hở lưng ấy. Và tất nhiên là tôi không từ bi hỉ xả như những vị cao tăng ấy.
Trên đường đi, thi thoảng tôi lại phải dừng lại, hai tay ôm chặt hơn cái chậu cây thủy tiên để hắt hơi. Thế mà có lần chỉ vì hắt hơi mà suýt nữa tôi ngã lao đầu về phía trước. Cái lá của cây thủy tiên chọc vào mũi khiến tôi không nhịn được việc hắt hơi đấy. Tôi hắt hơi liên tục!
Khi tôi về được tới gần trước cửa nhà mình thì tôi thấy con nhỏ Hoán Vân đã có mặt ở đấy. Nó đang ngồi trên yên xe, chống một chân dưới đất. Nhìn bộ dạng thánh thức, phởn phơ của nó tôi thấy mình ghét nó vô cùng vô tận.
Nó nheo mắt nhìn tôi. Cái kiểu nheo mắt giễu cợt chế nhạo tôi thấy quen quen nhưng chả nhớ là đã thấy ở đâu nữa. Nó hỏi tôi cũng bằng giọng giễu cợt và nghe đểu giả làm sao.
- Thế nào, dân thành phố ngố tàu. Đã thấy trọng trách của việc chăm sóc cây thủy tiên đấy chưa? Nhất là với một người luôn phải đi bộ.
- Đồ xà ma nữ. Đồ ác ma đội lốt người!
Tôi điên tiết gào lên.
Con nhỏ Hoán Vân chẳng thèm đếm xỉa gì đến việc tôi gọi nó là ác ma. Mà hình như khi tôi gào lên như thế bộ dạng của tôi mắc cười lắm hay sao mà con nhỏ đáng ghét đó nhếch mép cười. Đúng! Việc nhếch mép cười ở cái thị trấn này bằng tràng cười to khoái trá ở những nơi khác. Mà thà nó hả họng cười tôi còn đỡ tức. Đằng này cái nhếch mép của nó khiến tôi thấy mình giống một kẻ bị chơi khăm ngay trước mắt mà không làm gì được, thế mới ức.
Con nhỏ đó còn lên giọng đàn chị với tôi nữa. Nó hất mặt. - Nói tới mới nhớ. Thế mày đã gặp chưa?
-Tôi sẵng giọng hỏi lại. Bởi cái kiểu hỏi tối nghĩa của nó khiến tôi không biết đường đâu mà trả lời cả.
- Ma!
- Ma?
- Đúng! Ma!
Tôi trợn mắt nhìn nó.
Nó nhìn lại tôi lom lom và lần này nó hỏi một cách rõ ràng hơn. - Mày đã gặp ma chưa?
Tôi bật cười một tràng dài và quệt mũi với vẻ ta đây nhằm thể hiện rõ sự khinh thường con nhỏ láu cá chơi khăm tôi nhưng lại nhát chết.
- Nói mày hay, từ hồi nào tới giờ tao chưa có biết sợ ma là gì. Và vì thế nên chưa có con ma nào dám lại gần tao hết. Nên tao đâu có cơ hội để gặp bất kỳ con ma nào đâu.
Nó nhìn tôi. Nhìn một cách chằm chằm và lập lại câu hỏi của nó một lần nữa.
- Mày đã gặp ma chưa?
Cái cách nhìn của nó khiến tôi chột dạ, liền hỏi lại bằng giọng rất to để thể hiện bản lĩnh của một thằng con trai chẳng biết sợ ma là gì.
- Ma nào chứ?
Lần này con nhỏ lại hất mặt. Nhưng không phải hất mặt với tôi mà chính xác là nó hất mặt về phía ngôi nhà của tôi. Cái ngôi biệt thự cổ được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp, nếu làm mắt hiếng đi để nhìn theo kiểu ảo ảnh ba chiều sẽ thấy ngôi nhà như một gương mặt của một người đàn ông biết cười.
- Hồn ma của thằng bé chết trong ấy đấy!
Câu nói của nó khiến tôi thấy rung tim. Đến lượt tôi nhìn nó chằm chằm và hỏi lại.
- Trong nhà của tao có người đã chết?
Khi câu hỏi được thoát ra khỏi miệng tôi, ngay lập tức con nhỏ đáng ghét kéo dài mồm mình ra.
- Thế mày không nghĩ là tại làm sao mà bao nhiêu năm nay mẹ mày không bán được ngôi biệt thự đó à? Bởi vì tất cả mọi người đều sợ và không ai dám mua nó cả.
- Tại sao lại là mẹ tao không bán được ngôi biệt thự này?
Nó trố mắt nhìn tôi như thể tôi là một con quái vật từ thời tiền sử hiện về vậy.
- Vì mẹ mày là chủ của ngôi biệt thự!
- Nhưng tại sao mẹ tao lại là chủ của ngôi biệt thự như vậy chứ?
Tôi huơ tay cố giải thích vì thấy mình vừa nói ra một câu hết sức ngu xuẩn. Tại sao tôi lại không biết việc mẹ là chủ nhân của một ngôi biệt thự được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp như thế. Một ngôi biệt thự ở một thị trấn heo hút đến nhàm chán.
- Vì mẹ mày được thừa kế từ một người dì! - Người dì? Của mẹ tao á?
- Không lẽ của mẹ tao.
Con nhỏ xẵng giọng. Tuy thế tôi không lấy làm bực mình vì cho dù nó có xẵng giọng hơn nữa thì cũng đang làm tôi tò mò và thay ngạc nhiên quá đỗi. Mẹ tôi có một người dì nào đó mà tôi không hề biết. Và người dì của mẹ tôi mà tôi không được biết đó lại cho mẹ tôi thừa hưởng một ngôi biệt thự cổ đầy bí ẩn.
Không, chính xác là mẹ tôi cũng hết sức bí ẩn. Vì bà là mẹ tôi mà bà lại không hề kể cho tôi nghe về những mối quan hệ họ hàng của mình, và cả cái ngôi biệt thự này nữa chứ. À, còn cả cái chú Hoan có lòng tốt đến mức tôi phải cảnh giác nữa.
Tất cả đều rất bí ẩn với tôi.
Và cái con nhỏ đáng ghét tên Hoán Vân kia lại đang hé mở một chút ít sự bí ẩn đó cho tôi biết. Tất nhiên là tôi sẽ không cám ơn nó đâu. Vì dẫu sao nó cũng là kẻ đã chơi khăm tôi trong việc chăm sóc cái cây thủy tiên chết tiệt kia.
- Thì tất nhiên là không phải là dì của mẹ mày rồi. Nhưng sas dì của mẹ tao lại cho mẹ tao một ngôi nhà xấu xí như thế nhỉ?
Tôi buộc phải chê bai ngôi nhà mà mình đang ở. Mặc dù xét một cách hết sức công bằng và khách quan thì ngôi biệt thự của mẹ con tôi là ngôi nhà to nhất ở cái thị trấn này. To và đẹp. Ngoại trừ nó có vẻ cũ kỹ vì được xây dựng khá lâu rồi. Nó có từ thời của dì của mẹ tôi kia mà. Gần trăm năm chứ chẳng chơi đâu.
- Thì bà dì của mày không có con nên để lại cho cháu là mẹ của mày chứ sao
nữa.
- Tất nhiên, không có con thì cháu sẽ được hưởng. Nhưng không có con đâu có nghĩa là không có chồng nhỉ?
Tôi vuốt đuôi nó. Và vì muốn biết thêm mà không muốn hỏi thẳng nên tôi đành phải nói vuốt đuôi nó như thế. Giọng tôi có phần dịu hơn, không còn gào tướng lên nữa.
- Sao lại không có. Chồng của bà ấy là một ông kiến trúc sư người Pháp hẳn hoi. Ông ấy sang đây làm việc mà.
Con nhỏ không hay là đang rơi vào sự điều khiển của tôi trong câu chuyện này. Cũng bởi cái thói nhiều chuyện của lũ con gái đấy mà. Tuy nhiên, nó vẫn nói với tôi bằng cái giọng ngang phè ra vẻ đàn chị đến phát ghét.
- Ờ, vậy sao không để ông người Pháp ở đi. Dẫu sao đó cũng là chồng của bà ấy mà.
- Xời ơi xời. Ổng mà còn sống thì đâu cần mày phải nói. - Ổng bệnh chết hả?
- Ờ! Nghe đâu ung thư phổi đó!
- Trời! Ớn ha! Bệnh đó dễ chết hà!
- Bởi vậy mới nói là bà ấy phải di chúc lại cho mẹ của mày đó.
- Ờ! Kể cũng hay ha. Nhưng mà... ủa, ủa, sao kỳ vậy ta. Tao hổng có anh em gì mà sao lại có một thằng bé chết ngắc trong nhà của mẹ tao vậy? Chắc mày rành mấy chuyện này lắm đó.
Tôi làm ra vẻ ngạc nhiên và ca tụng để con nhỏ dễ ghét đó khoái mà nói cho tôi hay. Nhưng lúc nói tới thằng bé chết trong nhà tôi đang ở, tôi thấy rùng mình một cái. Nghe lạnh ở sống lưng.
- Thì tao nghe nói mẹ mày lấy chồng rồi ở trên thành phố luôn. Cái biệt thự này cho người ta thuê lại. Làm thế thì sẽ có thêm thu nhập đó, mày không biết sao hả? Đúng là đồ đần!
Tôi nổi sung lên khi nghe con nhỏ nói tôi là đồ đần. May sao tôi kịp kiềm
chế lại, và chỉ hỏi nó bằng giọng trống không. Nghe còn có vẻ cấm cảu nữa là
khác.
- Ai chết ở đây?
Tôi có cái giọng như vậy là vì ghét nó và ấm ức vì chuyện của mẹ mình mà tôi không hế hay biết trong khi một con nhỏ thiên hạ lại rành chuyện đó còn hơn cả bàn tay của nó. Hơn nữa tôi cũng không muốn nói chuyện với con nhỏ Hoán Vân dễ ghét này, nhưng bởi vì tôi muốn biết toàn bộ câu chuyện và về người đã chết trong ngôi nhà của mình nên tôi phải cố tiếp tục.
- Đúng ra là có tới hai người chết trong ngôi nhà của mày. Người chết trước
tiên là một thằng bé. Người chết sau là chú của thằng bé. Ông ta là một nhà ảo
thuật.
- Nhà ảo thuật? Ở cái nơi chán đời này sao?
- Mày tưởng thị trấn nhỏ thì không có giải trí sao? Càng ở nơi nhỏ bé như thế này thì càng nhiều quái nhân kiệt xuất ẩn dật nhé.
Trời! Nghe giọng điệu tự cao tự đại của con nhỏ này sao giống hệt ngôn ngữ của mấy nhân vật trong phim chưởng Hồng Kông. Nó cong môi nói tiếp sau khi lườm tôi một cái cháy xém cả tóc tai.
- Ông ta được gọi là “Bàn tay ma thuật bí hiểm”. - Tên gì mà dài ngoằng vậy.
- Tên ông ta là gì tao hổng biết. Chỉ biết mọi người luôn gọi ông ta như vậy. Bởi vì ông ta có rất nhiều trò biểu diễn đặc sắc, bí hiểm. Hơn nữa mọi thứ ông ta biểu diễn đều được cất trong những cái chai. Thế mới đặc biệt chứ!
- Các thứ biểu diễn á?
Tôi hỏi mà cố gắng để giọng mình không run.
Không biết con nhỏ Hoán Vân có nhận ra sự cố gắng để che giấu việc tôi đang cảm thấy sợ hãi hay không mà nó nhếch mép cười. Lần này không phải là chế giễu hay khoái trá nữa mà là cái nhếch mép đầy bí ẩn.
- Đúng thế! Những cái chai ấy chứa đựng đủ thứ rùng rợn trên đời. Nhiều người còn bảo ông ta là một thầy phù thủy nữa cơ đấy.
Câu nói của nó khiến tôi thấy nỗi sợ hãi của mình tăng lên một chút. Hình như con nhỏ Hoán Vân cũng biết tôi đã bắt đầu sợ hãi rồi hay sao ấy. Nó dừng lại nhìn tôi chăm chú và lại nhếch mép cười khi nói tiếp. Và quả thật là cái thông tin tiếp theo của nó mới thật sự khủng khiếp. Nó khiến cho hai đầu gối của tôi bủn rủn cả ra. Gần như tôi sắp khuỵu xuống ngay trước mặt của con nhỏ đáng ghét Hoán Vân.
- Cả hai người đều chết ở căn phòng đó!
Nó đưa tay chỉ về phía cái cửa sổ nhỏ giáp mái nhà. Đó là cửa sổ phòng của tôi.
- Và một trong hai người vẫn còn ở đó. Vào những đêm không trăng, hồn ma của thằng bé vẫn thò đầu ra khỏi chiếc cửa sổ con con đó đó. Thằng bé đó có bộ mặt nhỏ nhắn, phù hợp với vóc dáng và bộ mặt đó luôn mang một vẻ đau khổ và buồn bã. Rất buồn bã!
Tôi nhìn lại cửa sổ phòng mình và nhìn cái mặt đang toát lên sự hỉ hả của con nhỏ Hoán Vân. Tôi lấy hết sức ở lồng ngực của mình và hét lên.
- Đừng nói nhảm nữa! Mày chỉ phịa chuyện để dọa tao chứ gì! Tao lạ gì cái tâm địa sài lang của mày!
Lần này con nhỏ cũng chẳng thèm phản ứng trước việc tôi chửi mắng nó là sài lang. Nó nhếch mép và chỉ vào chậu cây thủy tiên mà tôi đang ôm trước bụng.
- Mày cứ chờ xem. Rồi tới những đêm không trăng mây sẽ thấy thằng bé ấy hiện ra. Mà tốt nhất là mày đừng đưa chậu cây này vào trong căn phòng đó. Nó sẽ sợ đến chết khiếp và héo rũ ra mất. Rồi cô Hoa Quỳnh sẽ không hài lòng đâu.
- Mày là đồ rắn độc!
A! Tôi lại tìm ra một từ mới để mắng nó cho bõ tức. Trong lúc tôi còn đang run rẩy vì cái tin có con ma với bộ mặt nhỏ nhắn, đau khổ và buồn bã nào đó ẩn dật trong phòng của tôi thì nó còn lôi tiếp ra cái chuyện chăm sóc cây thủy tiên này nữa. Nó định làm tôi chết vì lo sợ đây mà. Còn lâu!
Con nhỏ Hoán Vân dậm bàn đạp chuẩn bị phóng xe đi. Nó quay lại, nheo mắt nhìn tôi. Và điều nó nói ra thật kinh hoàng.
- Thằng bé đó chết khi nó vừa bước sang tuổi mười ba. Và tên nó là Hải Phi. Nó giống mày về số tuổi và tên đệm!
Nói xong con nhỏ Hoán Vân phóng xe đi thẳng, để lại cái nhếch mép như một nụ cười chế giễu đầy ngạo nghễ.Bóng con nhỏ Hoán Vân chưa khuất ở cuối đường, cái thằng nhóc sắp bước sang tuổi mười ba là tôi liền quay người, nhìn lên ô cửa sổ nhỏ của phòng mình rồi lập tức, chạy hộc tốc vào trong nhà. Vừa chạy vừa hét toáng lên.

- Mẹ ơi... mẹ ơi.
Mẹ đang ở trong nhà bếp, nghe giọng tôi hốt hoảng mẹ liền chạy ra ngoài. Vừa lúc tôi chạy vào tới giữa phòng khách.
- Gì thế con?
Tôi nói mà không kịp thở.
- Mẹ có biết là có đến hai người đã chết trong phòng của con không? Một ông thầy phù thủy được mệnh danh là “Bàn tay ma thuật bí hiểm”. Một là thằng bé có tên đệm giống con, và nó mười ba tuổi.
Tôi nhìn mẹ và nói, gần như hụt hơi. Có vẻ như tôi sắp chết đến nơi. - Chỉ còn hai tháng nữa là con mười ba tuổi!
Mẹ nhìn tôi và không nói một lời nào. Điều đó có nghĩa là chuyện con nhỏ Hoán Vân nói về việc có hai người đã chết trong phòng của tôi là có thật. Nó không hề bịa chuyện để dọa tôi.
Bây giờ thì tôi hiểu rằng việc mẹ bắt tôi về ở cái thị trấn chán đời này là vì mẹ không bán được ngôi biệt thự chứ không hẳn là vì kinh tế của gia đình tôi ngày càng tuột dốc, kể từ khi người “trụ cột” về kinh tế trong gia đình là bố tôi mất đi.
Tôi chỉ tay về phía cầu thang rồi lại chỉ vào ngực mình trong khi một tay vẫn phải ôm chặt cái chậu cây thủy tiên.
- Con sẽ không ngủ ở trên phòng đó nữa đâu. Không thể ngủ với ma được. Trên đó còn một con ma nữa đấy, mẹ ơi. Là con ma tên Hải Phi. Một con ma mười ba tuổi. Mà con số mười ba là con số của quỉ. Ngày hôm nay cũng là ngày mươi ba. Thứ sáu ngày mười ba và con gặp biết bao nhiêu là phiền toái. Mẹ nhìn tôi và cố gắng giải thích theo cách của mẹ để tôi bình tĩnh lại.
- Con trai của mẹ đúng là người hiểu biết nhưng là hiểu biết chưa tới nơi, tới chốn. Con số mười ba là con số khởi điểm đó. Nó như thể là sự khởi đầu cho điều tốt đẹp ấy mà.
Mẹ mỉm cười và ôm lấy má tôi bằng lòng của hai bàn tay với những ngón thon gầy của mẹ.
- Con trai của mẹ, con hãy coi như đêm nay là khởi điểm cho những điều tốt đẹp mà con sẽ gặp trong cuộc sống này. Và đúng là trên đời này làm gì có ma.
Hơn nữa, sau đêm đầu tiên này con sẽ quen với những điều mới mẻ, tốt lành
hơn.
Tôi quẫy đầu để tránh bàn tay của mẹ và gào tướng lên. - Không có đêm đầu tiên nào cả!
- Có đấy! Là đêm hôm nay!
Mẹ đứng thẳng người và nghiêm mặt nhìn tôi.
Tôi hậm hực định gào lên tiếp tục nhưng nhìn nét mặt nghiêm khắc của mẹ, cục sợ hãi lẫn nỗi ấm ức trong lòng tôi xìu xuống như một quả bóng bị xì hơi.
- Đến bạn cùng lớp cũng còn biết là trong phòng con có một con ma với bộ mặt nhỏ nhắn đầy đau khổ và buồn bã mà mẹ.
Tôi cố vớt vát bằng giọng ỉu xìu và vin vào cớ là “chuyện này ai cũng biết rồi mẹ ơi”, mong lay chuyển được mẹ cho tôi chuyển sang phòng khác, hoặc không thì tôi xuống ngủ trên đi-văng cũng được.
Gì nhỉ? Hôm nay cô Hoa Quỳnh đã khẳng định với tôi cô là người không thay đổi quyết định của mình. Chắc cô chưa bằng một phần của mẹ tôi đâu. Mẹ mà đã quyết việc gì thì chưa chắc ông trời đã cản nổi, nói gì tới một đứa là con trai bé bóng của mẹ.
Nhìn gương mặt của mẹ, tôi tiu nghỉu ôm chậu cây thủy tiên đi về phía cầu thang. Gọi là cái chậu nhưng thực ra nó giống một cái ly chân dài dùng để uống sâm-panh khổng lồ hơn. Một cái ly khổng lồ với miệng ly hơi xòe ra được làm hết sức tinh xảo với những hoa văn bám trên thành ly. Chính vì thế mà cô Hoa Quỳnh rất quí cái “ly khổng lồ” này.
Tôi vừa quay lưng thì mẹ gọi lại.
- Cơn đang ôm cái gì đó?
- Mẹ thấy đấy. Một chậu cây thủy tiên!
Qua câu nói tôi muốn ám chỉ cho mẹ thấy là việc con ma có thật hệt như việc tôi đang ôm chậu thủy tiên trong lòng. Nhưng mẹ phớt lờ cái điều tôi muốn nói. Mẹ khoanh hai tay trước ngực và hỏi tiếp. Giọng như của một thanh tra đang hỏi cung. Và kẻ phạm tội là tôi - con trai của mẹ.
- Cái đó của ai?
- Của cô chủ nhiệm con. Cô “hoa Quỳnh nở muộn” đó mẹ. Mẹ có vẻ ngạc nhiên.
- “Hoa Quỳnh nở muộn”?
- Vâng ạ.
Hình như mẹ tôi đang muốn khẳng định lại cái điều mẹ đã đoán biết trước ở trong đầu.
- Tại sao con lại gọi như thế?
- Không phải con. Mà là các bạn đã gọi cô như thế. Con chỉ gọi theo thôi. Tôi huơ tay giải thích cho mẹ hiểu khi thấy cái nhướng mày mang hình dấu hỏi của mẹ. Tôi biết đọc những câu hỏi hay ý mà mẹ tôi muốn làm thông qua những nét trên khuôn mặt của mẹ. Tôi rất giống bố trong điểm này.
- Vì cô ba mươi sáu tuổi rồi mà chưa có chồng đó mẹ. Lại khó tính hệt “bà cô ế chồng” nữa. Các bạn gọi như vậy cho mang tính văn hóa đó.
Hình như mẹ đang cố kiềm chế để không bật cười. Điều ấy thoáng qua trong đôi mắt của mẹ nhưng có lẽ tôi không kịp nhận qua, vì nó chỉ thoáng qua thôi mà.
Hơn nữa, tôi nghe giọng mẹ hết sức nghiêm nghị. Và cách mẹ hỏi tôi cũng thật lạ lùng. Chúng tôi đang nói chuyện về cái lý do mà bọn tôi gọi cô chủ nhiệm là “hoa Quỳnh nở muộn” kia mà.
- Bây giờ có bạn gọi con là “thằng chết nhát” con có thấy hài lòng không?
Tôi cau mày và trả lời ngay tắp lự. Bằng thái độ hết sức tức giận.
- Không đời nào con lại hài lòng với việc đó. Con sẽ đấm đứa nào dám gọi con như thế. Con không phải là thằng chết nhát!
- Đó! Con thấy chưa. Con thấy tức giận khi bị gọi bằng một cái biệt danh nào đó. Cô giáo cũng có cảm giác như con lúc này nếu như nghe thấy các con gọi cô là “hoa Quỳnh nở muộn”.
Tôi gân cổ lên cãi lý lại với mẹ. Rõ ràng là chuyện của tôi và cô chủ nhiệm hoàn toàn không giống nhau.
- Nhưng đúng là cô ấy sắp già mà lại chưa có chồng!
- Chưa có khác với không có! Hơn nữa đấy là đời tư của cô gíáo, mọi người không có quyền phán xét và gọi cô theo cái kiểu thiếu tôn trọng như thế. Và con gọi như thế là xúc phạm đến cô giáo của mình đấy.
Tôi đứng trơ mắt nhìn mẹ. Tôi không hiểu điều mẹ đang nói.
Mẹ giơ một ngón tay lên và giọng còn nghiêm khắc hơn.
- Nếu con còn nói như vậy một lần nữa. Chỉ một lần thôi là mẹ sẽ cho con ăn đòn đấy.
Mẹ nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi lại.
- Con nhớ chưa?
- Dạ, con nhớ rồi.
Tôi trả lời mẹ như một người bị thôi miên. Gì chứ với uy lực từ đôi mắt của mẹ thì tôi không thể không run sợ và không nghe lời được. Mẹ là người thương tôi nhất trên đời này nhưng mà cũng là người nghiêm khắc nhất mà tôi được biết.
- Bây giờ con lên phòng cất cặp sách và cái chậu hoa này. Thay đồ, tắm rửa rồi chuẩn bị xuống ăn tối.
- Dạ.
- Nếu đó là việc của lớp giao cho con, con phải có trách nhiệm làm cho cẩn thận!
- Dạ.
- Mẹ không còn điều gì muốn nói nữa!
- Dạ...
Thấy tôi vẫn còn đứng trơ ra đấy, mẹ liền lên tiếng nhắc nhở. Mẹ luôn là thế. Hết những điều cần phải nói để tôi ghi nhớ thì mẹ luôn nói câu đó để kết thúc cuộc nói chuyện. Có rất nhiều cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con mà tôi chỉ mong sao mẹ nói câu nói đó mà thôi.
Tôi ôm chậu hoa và thất thểu đi về phía cầu thang, lối dẫn tôi lên tầng trên. Nơi đó có căn phòng của tôi. Căn phòng do chính tôi chọn ngay từ hôm đầu tiên chạy loăng quăng để thám thính, xem xét ngôi nhà. Bởi nó có cửa sổ nhìn ra ngoài đường.
Căn phòng có một con ma mười ba tuổi và có tên đệm giống tên của tôi.
Mang cái chậu cây thủy tiên lên phòng và đặt nó lên cái bàn ngủ. Để ở chỗ này thì tôi thực sự yên tâm.
Nhưng đấy là về chậu cây của cô Hoa Quỳnh, cô giáo chủ nhiệm của tôi. Còn về căn phòng thì... tôi biết rằng đêm nay và nhiều đêm sau nữa tôi sẽ phải ngủ trong căn phòng này. Căn phòng có ma! Bởi mẹ tôi cương quyết lắm. Mẹ đã bảo tôi vẫn sẽ ở trong căn phòng này vì đấy là lựa chọn của tôi ngay từ đầu ấy mà. Ngày trước, khi bố tôi còn sống mẹ đã rất cương quyết. Thế nhưng nếu như tôi có bố giúp đỡ, năn nỉ mẹ thì có thể có cơ may là mười phần trăm mẹ sẽ thay đổi quyết định. Thế nhưng từ ngày bố tôi mất, mẹ càng trở nên cứng rắn và cương quyết hơn. Bây giờ mọi việc trong gia đình mẹ là người giải quyết mà.
Tôi ngồi trên giường và ngắm nhìn cây thủy tiên. Phải nói thực đây là một cây cảnh đẹp cho dù nó là của cô Hoa Quỳnh luôn cấm cảu, khó đăm đăm vậ chuyên làm tình làm tội tôi. Còn dọa băm viên chiên giòn tôi như bò viên nữa chứ.
Qua lớp thủy tinh trong suốt của “cái ly khổng lồ” tôi dễ dàng nhìn thấy những cái rễ nhỏ xíu màu trắng thoải mái ngâm mình trong nước. Những cái rễ đó bám lấy củ của cây thủy tiên. Cái củ hình tròn cũng có một màu trắng nhìn giống như củ hành tây đã được bóc đi cái lớp vỏ khô màu nâu nhạt ở phía ngoài. Phía trên củ hoa là cái thân màu xanh to bằng bốn ngón tay của tôi chụm lại. Cái thân ấy dài dễ chừng 30cm và trên đầu chụm lại, chỉ có một phiến lá nhỏ xíu nhô ra, báo hiệu cho những chùm hoa sắp nở trong nay mai.
Tôi đã thấy hoa thủy tiên ở chợ hoa tết. Chúng là những bông hoa nhỏ rất đẹp. Và tôi biết chắc là nếu cây thủy tiên của cô giáo Hoa Quỳnh trổ bông thì nó cũng sẽ rất đẹp. - Thủy tiên soi mình bóng nước, nó có ý nghĩa trong trắng, tinh khôi. Tôi lẩm nhẩm câu nói của mẹ. Câu nói mà tôi nghe mẹ nói trong lần nhìn thấy hoa thủy tiên ở chợ hoa ngày tết ấy. Nói xong tôi mới chợt nhớ ra rằng đã có lần tôi nghe cô giáo chủ nhiệm nói như vậy với lũ học trò chúng tôi.
Tôi nhìn lại chậu hoa và đứng dậy, bê nó vào trong toilet, nhấc cây hoa ra khỏi chậu và đổ nước cũ đi. Một tay cầm cây hoa một cách cẩn thận, tay kia tôi cầm cái “ly khổng lồ” hứng dưới vòi nước, làm cho cái ly khổng lồ ấy sạch sẽ rồi hứng một lượng nước mà tôi cho là vừa đủ với cây thủy tiên, rồi tôi đặt lại cây thủy tiên vào trong cái chậu ấy. Xong, tôi bê chậu cây cảnh ấy quay trở ra và đặt lên cái bàn ngủ của mình.
Dẫu sao thì tôi không muốn cái cây này bị chết vì nước bẩn, lại chết ngay trong phòng của tôi nữa chứ. Căn phòng đã có tới hai người chết và hiện tại có một con ma đang ẩn mình ở đây.
Nghĩ đến con ma còn ẩn mình ở đây, tôi đưa mắt nhìn quanh để tìm kiếm.
Ngoài giường, bàn ngủ, kệ sách gắn liền với bàn học, tủ quần áo bằng gỗ xà cừ được đánh véc-ni màu nâu sậm có dán hình Superman với bộ quần áo màu xanh phù hợp với ngoại hình điển trai và khỏe mạnh thì không còn thứ gì khác trong phòng cả.
Tôi đứng lên, kiểm tra gầm giường, lật nệm xem xét tỉ mỉ, tới bên tủ mở ra để kiểm tra kỹ càng. Không có ai nấp trong đó cả. Gầm giường và dưới đệm cũng thế. Chắc có lẽ là con ma thấy tôi chuyển đến ở trong căn phòng này nên nó tự giác chuyển đi nơi khác ở rồi cũng nên.
Thế là tôi yên tâm ăn bữa tối cùng với mẹ. Hôm nay mẹ làm món trứng với thịt băm, canh khoai sọ nấu với xương và món sa-lát rau mà tôi ưa thích. Chúng ngon tuyệt!
Học bài xong, theo đúng trình tự của thói quen, tôi làm vệ sinh cá nhân xong là lên giường. Sau khi đặt chuông báo thức vào lúc sáu giờ sáng hôm sau, tôi ngủ một cách ngon lành.
Và cái chuyện tôi tưởng hồi chiều khiến tôi yên tâm là cái con ma tên Hải Phi ấy đã tự động chuyển đi nơi khác ấy, thật ra không phải. Bởi vì vào lúc nửa đêm tôi đã nhìn thấy cậu ta. Hải Phi là một con ma nhỏ bé, có gương mặt nhỏ nhắn buồn rười rượi.
Lúc ấy chẳng hiểu sao tôi cảm thấy trong phòng của mình có người ngay cả khi tôi đang say ngủ. Tôi cảm thấy có ai đó ở trong phòng. Quả thực thì đang lúc ngon giấc nên tôi cũng chẳng muốn biết đích xác cái người đang ở trong phòng của tôi - theo cảm giác lúc đấy ấy. Nhưng rồi tôi vẫn cứ mở hé mắt ra và tôi nhìn thấy con ma. Đó là một cậu bé trạc tuổi tôi, mặt buồn bã hết sức đang đứng bên cửa sổ. Cậu bé ma đứng đó và nhìn tôi chằm chằm.
Tôi hoảng hồn la tướng lên:
- Mẹ ơi. Ma... ma...
Con ma hoàn toàn tỏ ra không ngạc nhiên trước phản ứng của tôi. Nó lắc đầu.
Hình như nó thở dài nữa. Kiểu thở dài như thể là nó đã biết trước sự phản ứng của tôi thế nào cũng sẽ diễn ra.
Mẹ chạy vào phòng của tôi với bộ đồ ngủ màu xanh ở trên người. Mẹ kêu lên với vẻ lo lắng.
- Gì thế con? Con vừa trải qua một cơn ác mộng có đúng không? Chỉ là ác mộng thôi, con trai của mẹ.
Tôi vẫn ngồi dí sát vào thành giường, tay chỉ về phía con ma. Mẹ nhìn theo tay tôi và hỏi:
- Gì hả con? Cửa sổ đóng rồi mà!
Tôi sợ hãi, giọng run rẩy.
- Một con ma đang đứng ở đó. Ở cạnh cửa sổ đấy mẹ ơi.
Mẹ tôi nhìn về phía cửa sổ, sau đó nhìn khắp phòng rồi lại nhìn về phía cửa sổ lần nữa. Lần này mẹ nhìn đúng vào mặt của con ma Hải Phi đầy buồn bã.
- Mẹ không thấy gì cả. Con đã mơ thấy gì kinh khủng lắm phải không? Mẹ ngồi xuống giường và vuốt tóc tôi. Giọng mẹ dịu dàng.
- Giấc mơ dữ thôi con à. Ngủ tiếp đi, con trai của mẹ. Tôi lắc đầu.
- Không. Con không mơ gì cả. Đúng là nó. Nó đang đứng cạnh cửa sổ kia kìa... Mẹ đứng dậy đi ra phía cửa sổ, đi xuyên qua người con ma. Nếu tôi bảo là đi vào người nó là tôi nói đúng như thế, đi vào người nó. Mẹ đang đứng trong lòng con ma. Dường như nó không phải là thân hình hoàn toàn như người. Nó giống hệt một áng mây hoặc một hình ảnh ba chiều. Mẹ đang đứng trong nó thế mà mẹ lại không hề biết gì. Tôi cảm thấy nôn nao, bồn chồn. Ruột gan tôi nóng như lửa đốt. Người tôi rã rời. Tay tôi chỉ vào con ma mà run lên bần bật.
- Mẹ đang đứng trong người nó đấy!
Mẹ bước ra khỏi người con ma Hải Phi và đi về phía giường. Mẹ xoa đầu tôi và nói bằng giọng dịu dàng, nựng nịu.
- Con trai của mẹ vẫn còn mơ rồi. Không có gì trong căn phòng này cả. Con ngủ tiếp đi. Mẹ sẽ để đèn ngủ cho con.
Mẹ để đèn ngủ, rồi đi về phía cửa. Mẹ khép cửa phòng lại và đi về phòng của mình. Còn con ma Hải Phi vẫn còn đứng đó. Bây giờ thì tôi có thể hiểu ra là người ta chỉ có thể nhìn thấy ma nếu như con ma ấy muốn. Tôi có thể nhìn thấy Hải Phi còn mẹ thì không.
Còn lại hai chúng tôi, con ma nhỏ bé mà buồn rười rượi ấy liền ngoắc tay ra hiệu cho tôi đi theo nó. Nó lướt ra cửa và chỉ tay về phía tôi.
Tôi lắc đầu. Giọng run rẩy. Tôi sợ chết khiếp khi thấy nó ra hiệu như thế.
- Đừng hòng tao đi theo mày. Tao sẽ chỉ ở trong phòng của tao mà thôi.
Nó có vẻ sốt ruột và lại ra hiệu cho tôi lần nữa. Lần này nó dùng cả cánh tay để ra hiệu. Vẻ mặt nó như van nài tôi đi theo nó. Hình như con ma Hải Phi này không biết nói!
Tôi hét lên:
- Mẹ nói đúng! Mày chỉ có trong mơ. Trong cơn ác mộng của tao mà thôi. Mày không hề có trong thực tế. Thôi, tao ngủ đây!
Tôi vùi đầu vào gối, kéo mền lên tới tận vai, và nhắm chặt mắt lại trong khi đầu óc thì đang tự nhủ là chẳng có con ma nào hết.
Hình như con ma Hải Phi cũng không chịu thua tôi. Tôi thề là tôi nói thật! Nó đến bên giường và chui cả vào trong chăn của tôi, và nó thò ngón tay nhỏ gầy guộc đầy lạnh giá của nó cù vào gan bàn chân tôi. Mà cái kiểu cù của nó cũng thật là lạ. Giống hệt như là một làn gió thoảng, hay như một sợi lông lả lướt, mơn man. Tôi lấy tay gạt tay nó đi. Nhưng tay tôi không chạm vào tay nó, chỉ chui qua tay nó mà thôi.
Tôi phì cười dù muốn hay không. Càng lúc tôi càng cười to vì không chịu được
cơn buồn cứ đến dồn dập. Tôi kêu lên:
- Thôi, thôi. Thôi đi nào.
Nhưng Hải Phi không chịu thôi. Nó làm cho tôi cười mỗi lúc một to và rồi không chịu được nữa, tôi cười lăn cười lộn trên giường khiến cho ga giường nhăn nhúm và tụt cả ra. Tôi vừa thở hổn hển trong khi lăn, vừa cố gắng hét lên giữa những cơn cười.
- Thôi đi, tao không đùa nữa đâu.
Tôi nói đến thế nhưng nó vẫn không hề buông tha cho tôi. Tôi buộc phải tránh nó bằng cánh chạy khắp phòng, vừa chạy vừa cười lại còn lôi theo cả khăn trải giường nữa. Điều tôi không ngờ tới là tấm khăn trải giường khiến tôi vấp té, lao thẳng vào cái bàn ngủ. Chậu cây thủy tiên đặt trên bàn chao đảo rồi rơi xuống dưới sàn nhà. Cái “ly khổng lồ” làm bằng thủy tinh hết sức tinh xảo vở tan thành nhiều mảnh. Nước chảy ra sàn lênh láng thấm cả vào tấm khăn trải giường của tôi.
Thế là xong! Tôi đứng như trời trồng nhìn cây thủy tiên nằm lăn lóc trên sàn, giữa những mảnh thủy tinh vở. Tôi không còn quan tâm tới con ma nữa nếu như nó chỉ biết làm mỗi việc là cù tôi khiến cho tôi cười lăn lộn như thế. Toàn bộ sự sợ hãi của tôi lúc này dồn vào việc tôi sẽ phải đối mặt với cô Hoa Quỳnh vào ngày mai. Cô giáo chưa chồng đầy khó tính của tôi có thể còn gây ra nhiều điều kinh hoàng còn hơn cả con ma có bộ mặt buồn thảm này. Chỉ một cái lườm của cô thôi cũng đủ làm cho máu trong người tôi đông cứng lại rồi.
Tôi gào lên với con ma.
- Tại mày! Tất cả là tại mày đấy! Mày làm nó vỡ tan ra cả rồi!
Tôi vừa sợ hãi, vừa tức điên lên được. Còn con ma thì lướt về phía cửa sổ. Nhìn bộ dạng của nó lúc này thật đau khổ. Nó là con ma bất hạnh nhất địa ngục còn cái thằng tôi là đứa bất hạnh nhất trên thế gian này.
Đằng nào thì cũng không thể hàn gắn được cái chậu hoa bằng thủy tinh ấy nữa, tôi đi xuông bếp và tìm cái gì đó có thể thay thế cái chậu hoa ấy. Tôi thấy mỗi cái cà-mèn bằng nhựa màu xanh là có thể để được cây hoa nên cầm lên phòng. Tôi đổ nước vào lưng cái cà-mèn và để cây thủy tiên vào trong đó. Tôi yên tâm là với sự sống là nước này thì cây hoa sẽ không bị làm sao hết. Trong khi tôi bận bịu với cái cây thì thằng Hải Phi lẽo đẽo theo tôi khắp nơi. Khi tôi làm xong mọi việc thì nó lại ngoắc ngón tay để ra hiệu cho tôi đi theo nó. Tôi điên tiết quát tướng lên.
- Mày không đùa đấy chứ? Sau tất cả những gì mày gây ra cho tao.
Tôi nói và quẳng cái gối về phía nó. Cái gối bay xuyên qua người nó. Lúc này trông nó càng buồn thảm hơn. Và nó bắt đầu khóc. Nước mắt của nó cũng trong suốt hệt như thân người nó vậy.
Vừa khóc nó vừa giơ nắm đấm ra dọa tôi. Tôi lắc đầu rồi nằm xuống, vùi đầu vào gối và tiếp tục giấc ngủ bị phá bĩnh. Tôi hy vọng ngày mai khi tỉnh dậy thì con ma Hải Phi đã biến mất và thấy rằng những việc này đúng là một cơn ác mộng mà thôi.
Thế nhưng sáng hôm sau, khi vừa mở mắt ra tôi đã thấy nó. Nó vẫn đứng bên cửa sổ. Và cái cà-mèn có cây thủy tiên thì nằm lăn lóc trên sàn. Chẳng còn giọt nước nào trong cái cà-mèn hoặc ở trên sàn nhà. Cây thủy tiên nằm gần đó, đã héo khô lại. Tôi rùng mình kinh hãi. Chắc khi bị cô Hoa Quỳnh xử lý vì đã để cây thủy tiên chết thì trông tôi cũng sẽ giống cái cây đó vào lúc này.
Tôi thất thểu cầm cái cà-mèn đi ra sân để tìm một cây gì đó cũng sống trong nước để thay thế cho cây thủy tiên. Nhưng tìm mãi cũng chẳng có cây nào. Vì mới chuyển về đây nên mẹ chưa kịp trồng cây gì trong vườn. Tìm mãi cuối cùng tôi phát hiện ra cây hoa cúc vạn thọ ở cuối vườn. Tôi chặc lưỡi. Nó sống được cả bằng nước và đất. Thế là tôi nhổ cây hoa vạn thọ lên và cho vào trong cái cà-mèn bằng nhựa màu xanh.
Con ma Hải Phi cùng ngồi ăn sáng với tôi. Tất nhiên là mẹ vẫn không thể thấy nó được. Còn nó thì tỏ ra đăm chiêu lo lắng trong khi nhìn tôi ăn tô bún mà mẹ nấu. Sau tất cả những gì mà nó đã gây ra cho tôi, tôi thấy mừng không có gì mà phải thương xót nó cả. Tôi biết là cây thủy tiên chết khô như vậy cũng là do nó làm. Và tôi nghĩ ngay đến cái chết ngắc ngoải đang đến gần. Đã đến lúc tôi phải đến trường.
Nó lẽo đẽo đi theo tôi đến trường. Sự sợ hãi, lo lắng mà nó gây ra cho khiến tôi cáu tiết lên quay lại và quát tướng vào mặt nó.
- Mày cút ngay! Xéo ngay!
Xui xẻo cho tôi. Cô phụ trách nề nếp đang đi đằng sau tôi là người hứng trọn câu nói đó. Bởi cô giống như mẹ, đều không nhìn thấy con ma Hải Phi. Cô sững lại ngạc nhiên rồi nhanh chóng chuyển sang giận dữ. Cô quát:
- Đồ hỗn xược! Tôi sẽ nói với cô Hoa Quỳnh về việc này. Tại sao lại có một học trò ăn nói láo lếu với giáo viên như thế?
Tôi thấy nỗi khiếp sợ của mình nhích thêm một tí. Việc làm chết cây thủy tiên, làm vỡ chậu hoa đẹp quí giá của cô Hoa Quỳnh đã lớn tội rồi. Lại thêm tội… bị hiểu nhầm này nữa thì đúng là tôi sắp bị lên giá treo cổ tới nơi rồi. Tôi ôm cái cà-mèn có cây hoa cúc vạn thọ ở bên hông và đi vào lớp. Ngồi vào chỗ của mình. Con ma Hải Phi ngồi vắt vẻo trên thành ghế phía trước và nhìn tôi.
Cô Hoa Quỳnh đi vào lớp, thấy trên bàn giáo viên của mình trống trơn, cô liền đi xuống chỗ tôi và hỏi bằng giọng bực bội.
- Hải Thiên, chậu cây thủy tiên đâu?
Tôi cúi gằm mặt khi đưa cái cà-mèn có đựng cây cúc vạn thọ ra trước mặt cô. Cô Hoa Quỳnh nhìn nó trong vòng một giây, sau đó hai đầu lông mày của cô dính sát vào nhau. Cô hét lên.
- Thế này là thế nào hả?
Tôi lí nhí lên tiếng:
- Thưa cô... đây là cái cây... bông.
Bụng dạ tôi như có hàng nghìn con kiến đang cắn xé cào cấu, tim tôi đập thình thình và tôi cảm giác mình sắp xỉu đến nơi. Tiếng của cô Hoa Quỳnh nghe như tiếng gió rít, lạnh buốt cả đầu óc.
- Cái gì hả? Chậu hoa của tôi đâu rồi?
Tôi trả lời, giọng run rẩy.
- Thưa... cô. Nó bị vỡ rối ạ. Con ma đã cù léc em khiến em ngã vào cái bàn ngủ, nơi em đặt chậu thủy tiên. Chính con ma đã làm vỡ nó.
Cô Hoa Quỳnh hét lên:
- Con ma?
Tôi chỉ tay vào con ma đang ngồi trên thành ghế phía trước dòm cả tôi và cô Hoa Quỳnh.
- Thưa cô, nó đang ngồi trên thành ghế này đấy.
Những đứa có mặt trong lớp và cả cô Hoa Quỳnh nữa đều đổ dồn mắt vào cái ghế mà tôi chỉ. Nhưng khốn thay, tôi là người duy nhất nhìn thấy con ma có bộ mặt buồn khổ đó. Con ma liền nhảy tót lên bàn và cầm lấy tay tôi. Nó định cù vào lòng bàn tay của tôi. Tôi liền giật phắt tay lại và kêu lên.
- Không. Đừng. Đừng làm như thế!
Cô Hoa Quỳnh nhìn tôi hằm hằm trong khi mặt cô mỗi lúc một đỏ bừng lên.Con ma Hải Phi chẳng thèm cù vào tay tôi nữa. Nó thò tay vào cổ và bắt đầu cù tôi.
Tôi cắn chặt môi, gồng người lên để không cười. Một tiếng “phì” rất khẽ buột ra khỏi người tôi. Rất khẽ nhưng mà tôi thấy trong tai tôi là tiếng rống của cả một đàn bò. Không ai hiểu được là tại sao tôi lại cười như lên cơn ấy.
Cô Hoa Quỳnh liền túm lấy tay tôi và lôi tôi xềnh xệch ra phía cửa lớp. - Mi tưởng đấy là chuyện đùa hả? Mi đúng là đồ mi... mi...
Cô Hoa Quỳnh giận đến điên người. Cô lôi tôi đi mà không để ý đến việc cạnh cửa lớp có gắn một cái móc áo để dành cho giáo viên treo nón, treo dù. Đầu cô chạm vào đấy và khi cô cố bước đi, mái tóc của cô vướng vào cái móc mà cô không hay biết. Lúc này, đầu cô không còn tóc. Nó trọc lóc trông không khác gì quả trứng. Hóa ra cô Hoa Quỳnh luôn đội tóc giả!
Cả lớp im lặng như tờ. Không ai dám nhìn vào cô Hoa Quỳnh. Còn cô Hoa Quỳnh lúc này mặt đỏ lựng như mặt trời, mắt cô hằn lên những tia màu đỏ của tức giận pha lẫn với sự đau khổ. Đôi mắt ấy chiếu khắp lớp. Đứa nào bây giờ mà nhìn cô và chỉ cần hơi nhếch mép một cái là toi. Mặc dù tôi biết là sẽ chẳng có ai cười. Vì cái thị trấn này có ai cười bao giờ đâu. Nhưng quả là có thấy thương cô Hoa Quỳnh thật nhưng phải nói là nhìn cô bởi cái đầu trọc lóc thì... rất là buồn cười. Mà đứa nào cười thì kể như đi đời nhà ma luôn. Thế nên đứa nào cũng cúi gằm mặt, chân tay run lẩy bẩy đứng không muốn vững nữa.
Cái ngón tay lạnh giá mà nhẹ tựa cọng lông của thằng Hải Phi lại bắt đầu ngọ nguậy trên cổ tôi. Tôi cố gắng nhịn cười, cố nghiến răng trong khi gầm gào trong cổ họng với thằng Hải Phi.
- Không!
Nhưng rồi tôi cười phá lên. Cười mỗi lúc một to và rũ rượi. Cười đến mức phát ra những âm thanh hô hô, hi hi, hí hí...
Cơn cười của tôi giống hệt bệnh sởi dễ lây lan. Cả lớp cười ầm ĩ, cười lăn, cười lộn, cười đến chảy cả nước mắt. Có một đứa không cười. Đấy là con nhỏ Hoán Vân. Nó nhảy lên và túm lấy mái tóc giả của cô Hoa Quỳnh vẫn mắc ở móc áo gắn trên tường. Nó nhào đến và đội lại mái tóc lên đầu của cô giáo chủ nhiệm. Chính cú nhào đến vội vàng của nó khiến mái tóc dội ngược, từ phía sau chuyển lên phía trước. Thế là che mất cả mặt của cô Hoa Quỳnh khiến cô luống cuống vội vàng chụp mái tóc để xoay ngược trở lại. Còn con nhỏ Hoán Vân hoảng hồn cũng vội chụp lấy mái tóc để xoay giúp cô giáo. Ai dè người xoay ngược, người xoay xuôi khiến mái tóc mãi vẫn chưa trở lại đúng vị trí của nó. Hành động của cả hai khiến cả lớp được trận cười lớn hơn.
Trong lúc mọi người mãi cười, tôi vội vàng tách ra khỏi lớp. Nếu ở lại, chắc chắn tôi sẽ bị cô Hoa Quỳnh đưa lên ban giám hiệu mất.
Tôi đã cúp học! Điều mà tôi chưa từng làm bao giờ. Và cúp học nên tôi không biết làm gì. Tôi đi lang thang trong công viên nhỏ tí của thị trấn. Bởi vì tôi không thể về nhà vào giờ này được. Như thế mẹ sẽ biết hết mọi chuyện và lúc đó có trời mới biết tôi sẽ lãnh cơn giận dữ của mẹ như thế nào.
Đang đi bỗng nhiên tôi thấy một cái ống cao su đang chảy nước. Tôi liền túm lấy và chĩa về phía con ma Hải Phi nãy giờ vẫn lẽo đẽo theo sau tôi. Tôi hét lên:
- Mày biến đi! Xéo cho nhanh, đồ khốn. Mày muốn hành hạ ai cũng được nhưng trừ tao ra.
Vòi nước xuyên qua người nó. Nó đứng trân trân nhìn tôi rầu rĩ. Ngón tay của nó cong lại và khẽ động đậy. Nó ra hiệu cho tôi đi theo nó.
Tôi không có vẻ gì là muốn đi theo nó cả. Hướng nó đang đi là phía bên kia đường. Bên đó là nghĩa địa. Bỗng nhiên tôi nghĩ tới việc nếu đi sang nghĩa địa thì biết đâu con ma này lại chẳng tìm thấy một cái mộ nào đó thích hợp cho nó thì sao. Dù sao thì cũng thử xem, có mất mát gì dâu. Thế là tôi đi theo nó. Cả hai đứa chúng tôi đi giữa những ngôi mộ. Chắc người ta vẫn thường nghĩ rằng ở trong nghĩa địa thì các hồn ma thoải mái dễ chịu. Nhưng đó là sự lầm tưởng bởi nhìn con ma Hải Phi lúc này càng buồn bã hơn. Nhìn nó thật thê thảm!
Không xa chỗ chúng tôi có một đám ma. Đó là đám ma của một người theo đạo Thiên chúa. Thân nhân của người quá cố đều mặc màu đen. Gương mặt ai cũng rầu rĩ hệt như mặt của thằng ma nhỏ bé tội nghiệp Hải Phi. Mọi người đang chú ý đến cái quan tài đang được đưa xuống huyệt mộ một cách chầm chậm, từ từ. Tôi lặng lẽ đi qua và tránh không gây tiếng động làm ảnh hưởng đến nghi thức của đám tang.
Ông cha cố đang cầm cuốn sách nhỏ trên tay và nói bằng giọng trầm buồn. - Với chúng ta đây là một nỗi buồn sâu sắc.
Đúng lúc đó, tôi cảm thấy ngón tay gầy guộc nhỏ bé lạnh lẽo của thằng ma Hải Phi lại chạm vào cổ tôi và nó cù. Tôi rên lên khe khẽ:
- Mày đừng làm cái trò đó ở đây. Không phải lúc đâu. Dừng lại!
Nhưng con ma đáng ghét ấy không dừng lại. Nó khiến tôi lăn đùng lên một ngôi mộ được xây xi-măng có mái vòm khá đẹp. Đúng là một sự tra tấn dã man!
Cái trò cù vào cổ tôi của thằng ma Hải Phi thật không đúng chỗ tẹo nào. Phen này thì đúng là tôi chết thật rồi. Nó khiến tôi cười lăn lộn giữa một tang lễ trang nghiêm, trịnh trọng như thế này.
Tôi cười lăn cười lóc, cười tới mức chảy cả nước mắt, cười tới mức sặc đến mấy lần. Rồi tôi thấy đôi chân của những người đi đưa ma đứng trước mặt tôi, sừng sững như những hàng cây ở trong rừng. Bỗng nhiên mọi chuyện chấm dứt. Nó không cù tôi nữa. Mọi chuyện diễn ra đột ngột hệt như một cơn giông ào đến quét tung tất cả mọi thứ rồi tan biến thật nhanh. Những người mặc đồ đen cho đám tang nhìn tôi với nét mặt hầm hầm. Tất cả mọi người đều rất tức giận. Không có ai cười ở chỗ tang lễ bao giờ cả.
- Đồ quỉ con!
Cha sứ lắc đầu và mắng tôi.
Có người khác lên tiếng ngay sau đó.
- Đúng là một thằng bé nghịch ngợm và láo lếu.
- Đánh cho nó một trận cho nó chừa thói hỗn xược đi. - Thôi tha cho nó. Chúng ta đang làm lễ tang mà.
Nói thế nhưng có một người đàn ông cao lớn tiến đến và túm lấy tôi. Tôi co người lại, giãy giụa, níu kéo và vùng chạy. Vài người đuổi theo tôi. Tôi chạy bán sống bán chết và cuối cùng họ đành bỏ cuộc.
Thằng ma chết tiệt Hải Phi lẽo đẽo chạy theo tôi. Nó còn ngoắc ngón tay ra dấu cho tôi nữa. Tôi thờ dài.
- Mày định cù tao cho tới khi nào tao chịu đi theo mày, có phải không? Thằng ma láu cá ấy gật đầu. Tôi giơ cả hai tay lên đầu.
- Thôi được. Mày thắng rồi đấy! Bây giờ mày muốn tao đi đâu thì dẫn đường đi. Dù không muốn nhưng tôi đành đi theo nó. Bởi nếu không nó sẽ còn tiếp tục cù tôi, lại vào chính những lúc mà tôi không nên nhe răng ra cười. Nó đã làm tôi điêu đứng từ đêm qua tới giờ.
Nó đi trước dẫn đường. Tôi ngạc nhiên khi thấy nó đi về nhà, vòng ra phía sau để vào nhà kho. Nó chỉ vào cái xẻng. Tôi ngạc nhiên hỏi nó.
- Mày muốn tao cầm cái xẻng này theo hả?
Nó gật đầu và tôi hiểu ra rằng bàn tay trong suốt, gầy guộc và nhẹ tựa lông hồng của nó không thể cầm nổi bất cứ vật gì. Và nó cần một người để làm việc đó. Tôi vác xẻng và đi theo nó vào trong khu rừng nhỏ bên cạnh nghĩa địa. Tới một bãi đất sâu trong rừng, nơi có chút ánh sáng rọi xuống qua khe hở của những tán cây thì nó dừng lại và chỉ xuống đất. Tôi bắt đầu đào mà không cần hỏi xem đấy có phải là ý muốn của nó không.
Khoảng gần hai tiếng sau thì cái xẻng của tôi chạm vào một cái gì đó. Tôi moi lên. Đó là một cái bọc, bên trong là một cái hộp bằng da màu đen đã khá cũ. Vẫn cái gương mặt đau khổ, buồn rười rượi ấy, thằng ma Hải Phi gật đầu. Hình như nó giống như những người dân ở dây, không thể cười được thì phải. Cho dù chỉ là một cái cười mỉm. Nó để ngón tay lên miệng và thổi một hơi. Tôi đoán thế vì tôi không nghe thấy tiếng huýt sáo nào cả. Có thể là vừa rồi nó huýt sáo nhưng không thành tiếng. Kiểu huýt sáo của ma!
Rồi nó ngồi xuống cạnh tôi, vẻ chờ đợi. Một lúc sau có thêm hai con ma nữa đi tới. Hai con ma bé bỏng nhếch nhác hệt những đứa bụi đời. Chúng cũng có khuôn mặt đau khổ và rầu rĩ giống hệt thằng ma Hải Phi. Tôi không còn ngạc nhiên về điều này nữa. Cả cái thị trấn này có ai cười đâu kia chứ. Là ma có buồn bã hơn cũng khác gì những người đang sống ở đây đâu.
Thằng ma đã hành hạ tôi bàng cái trò cù quái đản ấy chỉ vào cái hộp và ra hiệu cho tôi mở ra. Tôi mở cải hộp ra. Trên nấp hộp phía bên trong có đề dòng chữ được mạ vàng “Bàn tay ma thuật bí hiểm”.
Cái hộp chất đầy bông. Tôi thò tay vào đống bông tìm kiếm và lôi ra được bốn cái chai nhỏ màu xanh. Ba cái chai có dán nhãn và có đề chữ. Mỗi cái nhãn mác đó có một dòng chữ ngắn gọn.
Chai thứ nhất đề: Cười mỉm
Chai thứ hai đề: Cười khoái trá
Chai thứ ba đề: Cười tủm tỉm
Chai thứ tư không đề dòng chữ nào hết.
Tôi rất ngạc nhiên nhưng không hiểu vì sao chủ nhân của chiếc hộp này lại không đề gì ở cái chai thứ tư. Tôi thấy ngón tay của thằng ma Hải Phi lại ngoắc ngoắc.
Tôi làm theo ý muốn của nó. Mở chai thứ nhất! Không có chuyện gì xảy ra. Một lúc sau nghe thấy có tiếng xì xì, tiếng xào xạc lạ lùng rói một cụm khói bay ra khỏi cái chai. Cụm khói biến thành một
vòng xoáy bay lên cao ngân lên thành tiếng nghe cũng hết sức kỳ lạ và rồi đột nhiên vòng khói ấy bay đến chỗ con ma đứng gần nhất và chui tọt vào trong miệng của nó. Bộ mặt buồn bã, rầu rĩ của nó bỗng nhiên biến mất và trên gương mặt của nó hiện lên một nụ cười mỉm.
Tôi mở nút chai thứ hai với sự tò mò. Lại một tiếng xì xì, tiếng xào xạc lạ lùng rồi một cụm khói bay ra. Cụm khói biến thành vòng xoáy, ngân lên những tiếng kỳ lạ rồi bay tới con ma nhếch nhác thứ hai. Lần này cụm khói ấy chui tọt vào tai của con ma nhỏ và ngay lập tức bộ mặt đau khổ, sầu não của nó biến mất. Bộ mặt của nó biến đổi hẳn. Nó cười một cách khoái trá. Tôi chưa từng thấy ai cười hả hê sung sướng như nó.
Chai thứ ba với dòng chữ “cười tủm tỉm” cũng diễn ra y hệt như hai chai trước. Tôi vừa mở nút ra là có tiếng xì xì, tiếng xào xạc lạ lùng và rồi một cụm khói bay ra. Nó cuốn thành vòng xoáy, ngân lên những tiếng kỳ lạ rồi sau đó chui vào lỗ tai trái của thằng ma nhỏ Hải Phi. Ngay lập tức, bộ mặt đau khổ buồn rười rượi của nó biến mất. Nó đứng và cười tủm tỉm một mình.
Tôi đứng ngắm nhìn cả ba đứa. Chúng nó có vẻ vui thích, hả hê lắm lắm. Tôi nhìn mấy cái chai và chợt hiểu ra tất cả. Cái ông được mệnh danh là “Bàn tay ma thuật bí hiểm” hay mọi người còn gọi ông ta là thầy phù thủy đã chết trong căn phòng của tôi ấy, chính ông ta đã ăn cắp niềm vui, nụ cười của mấy con ma nhỏ. Ông ta giấu nụ cười của chúng trong những cái chai nhỏ này và biết chắc rằng với hình hài và sức lực của những con ma thì chúng sẽ không thể nào đào cái hộp lên được.l
Tôi buột miệng nói lên suy nghĩ của mình.
- Ông ta đã lầm! Bây giờ các cậu đã lấy lại nụ cười của mình rồi.
Ba con ma nhín tôi và gật đầu với những nụ cười vô cùng sảng khoái và vui mừng. Tôi giơ cho chúng thấy cái chai cuối cùng không có dán nhãn mác cũng không đề bất cứ một chữ nào.
- Cầm lấy này!
Chúng lắc đầu. Tôi nhíu mày hỏi lại.
- Tao phải làm gì với cái chai này đây? Chúng là của ai mới được chứ?
Thằng ma nhỏ Hải Phi liền chắp hai tay lại với nhau và áp vào má, điệu bộ như
người đang ngủ.
- Của một người chết hả?
Nó lắc đầu. Tôi nhăn trán.
- Của một linh hồn đã chết?
Nó gật đầu với vẻ vui mừng khiến tôi ngạc nhiên. - Linh hồn mà còn chết được sao?
Cả ba đứa cùng gật đầu. Song, không để cho tôi kịp ngạc nhiên chúng từ từ nhập vào nhau và tạo một vòng xoáy. Vòng xoáy mỗi lúc một mờ dần và rồi tan biến mất. Tôi biết là từ nay tôi sẽ không bao giờ gặp lại những con ma nhỏ bé này nữa. Tôi lê gót về nhà. Tôi đã thoát được thằng ma Hải Phi nhưng ngày mai tôi sẽ bị quở phạt khi đến trường.
Mẹ đang chờ tôi ở trước cửa nhà. Nhìn gương mặt của mẹ, tôi biết là mẹ đã biết tất cả. Những việc đã diễn ra ở trường. Và tôi sẽ phải chịu hình phạt do mẹ đưa ra.
Ở trường mọi việc còn tồi tệ hơn tôi tưởng. Cả trường tề tựu đông đủ. Tôi bị gọi lên trên bục và đứng trước hàng trăm cặp mắt của những đứa học cùng trường.
Cô Hoa Quỳnh nói bằng giọng lạnh lùng.
- Trò Hải Thiên đã phụ lòng tin của tất cả chúng ta. Đã trốn khỏi lớp học, đã cười cợt đùa nhả tại một đám tang, đã đập vỡ chậu hoa mang giá trị tinh thần rất cao của tôi, đã làm chết cả một cây hoa đẹp, và còn dám dòi đuổi cô Lê Mai - cô giáo nề nếp của trường. Điều tệ hơn nữa là trò này còn có một thói xấu. Đấy là nói dối! Nói dối như Cuội!
Tất cả mọi người đều nhìn tôi chằm chằm. Các thầy cô giáo, học sinh đều dồn mắt về phía tôi. Tôi thấy xây xẩm mặt mũi, mắt hoa cả lên. Thật là không công bằng. Tôi không cố ý làm tất cả những việc ấy. Là do tôi bị cù mà thôi.
Tôi gào lên:
- Đó là con ma. Một con ma buồn bã đã cù em.
Tôi rút cái chai màu xanh ở trong túi ra và vung lên cao trong khi nói rất to để mọi người đều có thể nghe thấy.
Nụ cười của nó bị đánh cắp và chôn ở trong cái chai này. Em đã tìm thấy cái chai và trả lại cho nó nụ cười.
Cô Hoa Quỳnh cau mày. Gương mặt cô lúc này trông khó chịu và đầy sự tức giận. Cô quát lên:
- Đủ lắm rồi! Im miệng lại ngay!
Hình như chưa hết cơn tức giận, cô còn giật luôn cả cái chai trong tay tôi và ném xuống dưới đất. Cái chai vỡ tan. Cả trường im phắc.
Bỗng có tiếng xì xì, tiếng xì xào lạ lùng vang lên. Rồi một cụm khói bốc lên tạo thành một vòng tròn, phát ra tiếng ngân nga kỳ lạ rồi chui tọt vào lỗ mũi của cô Hoa Quỳnh đúng lúc cô đang lên tiếng nói trong cơn giận giữ của mình.
- Hình phạt xứng đáng với trò này là...
Nói chưa hết câu bỗng nhiên cô nín thinh. Gương mặt cau có, hằm hằm với hai hàng lông mày dính sát vào nhau đầy khó chịu bỗng nhiên giãn ra. Lông mày trở lại vị trí của mình, tạo thành hai đường cong mảnh mai dịu dàng tô điểm cho khuôn mặt còn đọng đầy vẻ đẹp của cô Hoa Quỳnh. Môi cô từ từ hé mở và tạo thành một nụ cười hệt một đóa hoa.
Cô Hoa Quỳnh mỉm cười. Nụ cười bị nhốt trong chai giờ đã tìm được chỗ ở mới của mình. Cô nhìn tôi với nụ cười rạng rỡ, độ lượng.
- Không có hình phạt nào cho một trò ngoan như em.
Tôi đi về chỗ của mình ở phía sau. Và hình như cột khói vừa chui ra từ hai lỗ tai của cô Hoa Quỳnh và bỗng xoáy tròn, mỗi lúc một lớn dần và bao trùm cả khoảng không gian của trường. Cột khói lan tỏa tới đâu, chạm vào ai, người đó đều nở nụ cười vui vẻ hạnh phúc.
Từ đó trở đi tôi thấy người dân ở thị trấn hiền hòa và luôn mỉm cười. Cả cái chú Hoan bạn của mẹ tôi cũng thế. Chú là bạn thân của bố mẹ tôi từ hồi nhỏ. Và chú cũng chính là bố của con nhỏ Hoán Vân dễ ghét. Tuy nó đã không còn kiếm chuyện để chọc phá tôi nữa nhưng tôi vẫn chưa thấy nó dễ thương tẹo nào.
Còn người được mệnh danh là “Bàn tay ma thuật bí hiểm” có lẽ đã phải trả giá đắt cho việc làm của mình là khiến cả thị trấn này và những con ma nhỏ không có nụ cười trong cả thời gian dài. Ông ta đã chết mà không thể nhắm mắt được. Và hôm chôn cất ông ta, trời đang nắng mà có tia sét xẹt ngang bầu trời. Quan tài của ông ta bị sét đánh cho cháy mất một góc ở giữa, làm rụng một bàn tay của ông ta khiến mọi người phải tức tốc thay một cái quan tài mới. Đó là hình phạt cho kẻ có dã tâm. Chính con nhỏ Hoán Vân đã kể cho tôi nghe chuyện đó.
Và đã có nhiều lần tôi đứng giữa đường và nhìn kỹ lại ngôi biệt thự của mẹ. Tôi còn làm cho mắt mình lác xệch lác xoạc đi để nhìn ngôi nhà theo kiểu ảo ảnh ba chiều. Tôi không còn thấy ngôi nhà giống gương mặt của một người đàn ông có cái nhếch mép thành nụ cười bí hiểm nữa. Ngôi nhà của mẹ thực sự là một biệt thự đep với những dây leo có những bông hoa thiên lý màu đỏ rất đẹp.
Hình như con ma Hải Phi cũng không chịu thua tôi. Tôi thề là tôi nói thật! Nó đến bên giường và chui cả vào trong chăn của tôi, và nó thò ngón tay nhỏ gầy guộc đầy lạnh giá của nó cù vào gan bàn chân tôi. Mà cái kiểu cù của nó cũng thật là lạ. Giống hệt như là một làn gió thoảng, hay như một sợi lông lả lướt, mơn man. Tôi lấy tay gạt tay nó đi. Nhưng tay tôi không chạm vào tay nó, chỉ chui qua tay nó mà thôi.

Tôi phì cười dù muốn hay không. Càng lúc tôi càng cười to vì không chịu được
cơn buồn cứ đến dồn dập. Tôi kêu lên:
- Thôi, thôi. Thôi đi nào.
Nhưng Hải Phi không chịu thôi. Nó làm cho tôi cười mỗi lúc một to và rồi không chịu được nữa, tôi cười lăn cười lộn trên giường khiến cho ga giường nhăn nhúm và tụt cả ra. Tôi vừa thở hổn hển trong khi lăn, vừa cố gắng hét lên giữa những cơn cười.
- Thôi đi, tao không đùa nữa đâu.
Tôi nói đến thế nhưng nó vẫn không hề buông tha cho tôi. Tôi buộc phải tránh nó bằng cánh chạy khắp phòng, vừa chạy vừa cười lại còn lôi theo cả khăn trải giường nữa. Điều tôi không ngờ tới là tấm khăn trải giường khiến tôi vấp té, lao thẳng vào cái bàn ngủ. Chậu cây thủy tiên đặt trên bàn chao đảo rồi rơi xuống dưới sàn nhà. Cái “ly khổng lồ” làm bằng thủy tinh hết sức tinh xảo vở tan thành nhiều mảnh. Nước chảy ra sàn lênh láng thấm cả vào tấm khăn trải giường của tôi.
Thế là xong! Tôi đứng như trời trồng nhìn cây thủy tiên nằm lăn lóc trên sàn, giữa những mảnh thủy tinh vở. Tôi không còn quan tâm tới con ma nữa nếu như nó chỉ biết làm mỗi việc là cù tôi khiến cho tôi cười lăn lộn như thế. Toàn bộ sự sợ hãi của tôi lúc này dồn vào việc tôi sẽ phải đối mặt với cô Hoa Quỳnh vào ngày mai. Cô giáo chưa chồng đầy khó tính của tôi có thể còn gây ra nhiều điều kinh hoàng còn hơn cả con ma có bộ mặt buồn thảm này. Chỉ một cái lườm của cô thôi cũng đủ làm cho máu trong người tôi đông cứng lại rồi.
Tôi gào lên với con ma.
- Tại mày! Tất cả là tại mày đấy! Mày làm nó vỡ tan ra cả rồi!
Tôi vừa sợ hãi, vừa tức điên lên được. Còn con ma thì lướt về phía cửa sổ. Nhìn bộ dạng của nó lúc này thật đau khổ. Nó là con ma bất hạnh nhất địa ngục còn cái thằng tôi là đứa bất hạnh nhất trên thế gian này.
Đằng nào thì cũng không thể hàn gắn được cái chậu hoa bằng thủy tinh ấy nữa, tôi đi xuông bếp và tìm cái gì đó có thể thay thế cái chậu hoa ấy. Tôi thấy mỗi cái cà-mèn bằng nhựa màu xanh là có thể để được cây hoa nên cầm lên phòng. Tôi đổ nước vào lưng cái cà-mèn và để cây thủy tiên vào trong đó. Tôi yên tâm là với sự sống là nước này thì cây hoa sẽ không bị làm sao hết. Trong khi tôi bận bịu với cái cây thì thằng Hải Phi lẽo đẽo theo tôi khắp nơi. Khi tôi làm xong mọi việc thì nó lại ngoắc ngón tay để ra hiệu cho tôi đi theo nó. Tôi điên tiết quát tướng lên.
- Mày không đùa đấy chứ? Sau tất cả những gì mày gây ra cho tao.
Tôi nói và quẳng cái gối về phía nó. Cái gối bay xuyên qua người nó. Lúc này trông nó càng buồn thảm hơn. Và nó bắt đầu khóc. Nước mắt của nó cũng trong suốt hệt như thân người nó vậy.
Vừa khóc nó vừa giơ nắm đấm ra dọa tôi. Tôi lắc đầu rồi nằm xuống, vùi đầu vào gối và tiếp tục giấc ngủ bị phá bĩnh. Tôi hy vọng ngày mai khi tỉnh dậy thì con ma Hải Phi đã biến mất và thấy rằng những việc này đúng là một cơn ác mộng mà thôi.
Thế nhưng sáng hôm sau, khi vừa mở mắt ra tôi đã thấy nó. Nó vẫn đứng bên cửa sổ. Và cái cà-mèn có cây thủy tiên thì nằm lăn lóc trên sàn. Chẳng còn giọt nước nào trong cái cà-mèn hoặc ở trên sàn nhà. Cây thủy tiên nằm gần đó, đã héo khô lại. Tôi rùng mình kinh hãi. Chắc khi bị cô Hoa Quỳnh xử lý vì đã để cây thủy tiên chết thì trông tôi cũng sẽ giống cái cây đó vào lúc này.
Tôi thất thểu cầm cái cà-mèn đi ra sân để tìm một cây gì đó cũng sống trong nước để thay thế cho cây thủy tiên. Nhưng tìm mãi cũng chẳng có cây nào. Vì mới chuyển về đây nên mẹ chưa kịp trồng cây gì trong vườn. Tìm mãi cuối cùng tôi phát hiện ra cây hoa cúc vạn thọ ở cuối vườn. Tôi chặc lưỡi. Nó sống được cả bằng nước và đất. Thế là tôi nhổ cây hoa vạn thọ lên và cho vào trong cái cà-mèn bằng nhựa màu xanh.
Con ma Hải Phi cùng ngồi ăn sáng với tôi. Tất nhiên là mẹ vẫn không thể thấy nó được. Còn nó thì tỏ ra đăm chiêu lo lắng trong khi nhìn tôi ăn tô bún mà mẹ nấu. Sau tất cả những gì mà nó đã gây ra cho tôi, tôi thấy mừng không có gì mà phải thương xót nó cả. Tôi biết là cây thủy tiên chết khô như vậy cũng là do nó làm. Và tôi nghĩ ngay đến cái chết ngắc ngoải đang đến gần. Đã đến lúc tôi phải đến trường.
Nó lẽo đẽo đi theo tôi đến trường. Sự sợ hãi, lo lắng mà nó gây ra cho khiến tôi cáu tiết lên quay lại và quát tướng vào mặt nó.
- Mày cút ngay! Xéo ngay!
Xui xẻo cho tôi. Cô phụ trách nề nếp đang đi đằng sau tôi là người hứng trọn câu nói đó. Bởi cô giống như mẹ, đều không nhìn thấy con ma Hải Phi. Cô sững lại ngạc nhiên rồi nhanh chóng chuyển sang giận dữ. Cô quát:
- Đồ hỗn xược! Tôi sẽ nói với cô Hoa Quỳnh về việc này. Tại sao lại có một học trò ăn nói láo lếu với giáo viên như thế?
Tôi thấy nỗi khiếp sợ của mình nhích thêm một tí. Việc làm chết cây thủy tiên, làm vỡ chậu hoa đẹp quí giá của cô Hoa Quỳnh đã lớn tội rồi. Lại thêm tội… bị hiểu nhầm này nữa thì đúng là tôi sắp bị lên giá treo cổ tới nơi rồi. Tôi ôm cái cà-mèn có cây hoa cúc vạn thọ ở bên hông và đi vào lớp. Ngồi vào chỗ của mình. Con ma Hải Phi ngồi vắt vẻo trên thành ghế phía trước và nhìn tôi.
Cô Hoa Quỳnh đi vào lớp, thấy trên bàn giáo viên của mình trống trơn, cô liền đi xuống chỗ tôi và hỏi bằng giọng bực bội.
- Hải Thiên, chậu cây thủy tiên đâu?
Tôi cúi gằm mặt khi đưa cái cà-mèn có đựng cây cúc vạn thọ ra trước mặt cô. Cô Hoa Quỳnh nhìn nó trong vòng một giây, sau đó hai đầu lông mày của cô dính sát vào nhau. Cô hét lên.
- Thế này là thế nào hả?
Tôi lí nhí lên tiếng:
- Thưa cô... đây là cái cây... bông.
Bụng dạ tôi như có hàng nghìn con kiến đang cắn xé cào cấu, tim tôi đập thình thình và tôi cảm giác mình sắp xỉu đến nơi. Tiếng của cô Hoa Quỳnh nghe như tiếng gió rít, lạnh buốt cả đầu óc.
- Cái gì hả? Chậu hoa của tôi đâu rồi?
Tôi trả lời, giọng run rẩy.
- Thưa... cô. Nó bị vỡ rối ạ. Con ma đã cù léc em khiến em ngã vào cái bàn ngủ, nơi em đặt chậu thủy tiên. Chính con ma đã làm vỡ nó.
Cô Hoa Quỳnh hét lên:
- Con ma?
Tôi chỉ tay vào con ma đang ngồi trên thành ghế phía trước dòm cả tôi và cô Hoa Quỳnh.
- Thưa cô, nó đang ngồi trên thành ghế này đấy.
Những đứa có mặt trong lớp và cả cô Hoa Quỳnh nữa đều đổ dồn mắt vào cái ghế mà tôi chỉ. Nhưng khốn thay, tôi là người duy nhất nhìn thấy con ma có bộ mặt buồn khổ đó. Con ma liền nhảy tót lên bàn và cầm lấy tay tôi. Nó định cù vào lòng bàn tay của tôi. Tôi liền giật phắt tay lại và kêu lên.
- Không. Đừng. Đừng làm như thế!
Cô Hoa Quỳnh nhìn tôi hằm hằm trong khi mặt cô mỗi lúc một đỏ bừng lên.Con ma Hải Phi chẳng thèm cù vào tay tôi nữa. Nó thò tay vào cổ và bắt đầu cù tôi.
Tôi cắn chặt môi, gồng người lên để không cười. Một tiếng “phì” rất khẽ buột ra khỏi người tôi. Rất khẽ nhưng mà tôi thấy trong tai tôi là tiếng rống của cả một đàn bò. Không ai hiểu được là tại sao tôi lại cười như lên cơn ấy.
Cô Hoa Quỳnh liền túm lấy tay tôi và lôi tôi xềnh xệch ra phía cửa lớp. - Mi tưởng đấy là chuyện đùa hả? Mi đúng là đồ mi... mi...
Cô Hoa Quỳnh giận đến điên người. Cô lôi tôi đi mà không để ý đến việc cạnh cửa lớp có gắn một cái móc áo để dành cho giáo viên treo nón, treo dù. Đầu cô chạm vào đấy và khi cô cố bước đi, mái tóc của cô vướng vào cái móc mà cô không hay biết. Lúc này, đầu cô không còn tóc. Nó trọc lóc trông không khác gì quả trứng. Hóa ra cô Hoa Quỳnh luôn đội tóc giả!
Cả lớp im lặng như tờ. Không ai dám nhìn vào cô Hoa Quỳnh. Còn cô Hoa Quỳnh lúc này mặt đỏ lựng như mặt trời, mắt cô hằn lên những tia màu đỏ của tức giận pha lẫn với sự đau khổ. Đôi mắt ấy chiếu khắp lớp. Đứa nào bây giờ mà nhìn cô và chỉ cần hơi nhếch mép một cái là toi. Mặc dù tôi biết là sẽ chẳng có ai cười. Vì cái thị trấn này có ai cười bao giờ đâu. Nhưng quả là có thấy thương cô Hoa Quỳnh thật nhưng phải nói là nhìn cô bởi cái đầu trọc lóc thì... rất là buồn cười. Mà đứa nào cười thì kể như đi đời nhà ma luôn. Thế nên đứa nào cũng cúi gằm mặt, chân tay run lẩy bẩy đứng không muốn vững nữa.
Cái ngón tay lạnh giá mà nhẹ tựa cọng lông của thằng Hải Phi lại bắt đầu ngọ nguậy trên cổ tôi. Tôi cố gắng nhịn cười, cố nghiến răng trong khi gầm gào trong cổ họng với thằng Hải Phi.
- Không!
Nhưng rồi tôi cười phá lên. Cười mỗi lúc một to và rũ rượi. Cười đến mức phát ra những âm thanh hô hô, hi hi, hí hí...
Cơn cười của tôi giống hệt bệnh sởi dễ lây lan. Cả lớp cười ầm ĩ, cười lăn, cười lộn, cười đến chảy cả nước mắt. Có một đứa không cười. Đấy là con nhỏ Hoán Vân. Nó nhảy lên và túm lấy mái tóc giả của cô Hoa Quỳnh vẫn mắc ở móc áo gắn trên tường. Nó nhào đến và đội lại mái tóc lên đầu của cô giáo chủ nhiệm. Chính cú nhào đến vội vàng của nó khiến mái tóc dội ngược, từ phía sau chuyển lên phía trước. Thế là che mất cả mặt của cô Hoa Quỳnh khiến cô luống cuống vội vàng chụp mái tóc để xoay ngược trở lại. Còn con nhỏ Hoán Vân hoảng hồn cũng vội chụp lấy mái tóc để xoay giúp cô giáo. Ai dè người xoay ngược, người xoay xuôi khiến mái tóc mãi vẫn chưa trở lại đúng vị trí của nó. Hành động của cả hai khiến cả lớp được trận cười lớn hơn.
Trong lúc mọi người mãi cười, tôi vội vàng tách ra khỏi lớp. Nếu ở lại, chắc chắn tôi sẽ bị cô Hoa Quỳnh đưa lên ban giám hiệu mất.
Tôi đã cúp học! Điều mà tôi chưa từng làm bao giờ. Và cúp học nên tôi không biết làm gì. Tôi đi lang thang trong công viên nhỏ tí của thị trấn. Bởi vì tôi không thể về nhà vào giờ này được. Như thế mẹ sẽ biết hết mọi chuyện và lúc đó có trời mới biết tôi sẽ lãnh cơn giận dữ của mẹ như thế nào.
Đang đi bỗng nhiên tôi thấy một cái ống cao su đang chảy nước. Tôi liền túm lấy và chĩa về phía con ma Hải Phi nãy giờ vẫn lẽo đẽo theo sau tôi. Tôi hét lên:
- Mày biến đi! Xéo cho nhanh, đồ khốn. Mày muốn hành hạ ai cũng được nhưng trừ tao ra.
Vòi nước xuyên qua người nó. Nó đứng trân trân nhìn tôi rầu rĩ. Ngón tay của nó cong lại và khẽ động đậy. Nó ra hiệu cho tôi đi theo nó.
Tôi không có vẻ gì là muốn đi theo nó cả. Hướng nó đang đi là phía bên kia đường. Bên đó là nghĩa địa. Bỗng nhiên tôi nghĩ tới việc nếu đi sang nghĩa địa thì biết đâu con ma này lại chẳng tìm thấy một cái mộ nào đó thích hợp cho nó thì sao. Dù sao thì cũng thử xem, có mất mát gì dâu. Thế là tôi đi theo nó. Cả hai đứa chúng tôi đi giữa những ngôi mộ. Chắc người ta vẫn thường nghĩ rằng ở trong nghĩa địa thì các hồn ma thoải mái dễ chịu. Nhưng đó là sự lầm tưởng bởi nhìn con ma Hải Phi lúc này càng buồn bã hơn. Nhìn nó thật thê thảm!
Không xa chỗ chúng tôi có một đám ma. Đó là đám ma của một người theo đạo Thiên chúa. Thân nhân của người quá cố đều mặc màu đen. Gương mặt ai cũng rầu rĩ hệt như mặt của thằng ma nhỏ bé tội nghiệp Hải Phi. Mọi người đang chú ý đến cái quan tài đang được đưa xuống huyệt mộ một cách chầm chậm, từ từ. Tôi lặng lẽ đi qua và tránh không gây tiếng động làm ảnh hưởng đến nghi thức của đám tang.
Ông cha cố đang cầm cuốn sách nhỏ trên tay và nói bằng giọng trầm buồn. - Với chúng ta đây là một nỗi buồn sâu sắc.
Đúng lúc đó, tôi cảm thấy ngón tay gầy guộc nhỏ bé lạnh lẽo của thằng ma Hải Phi lại chạm vào cổ tôi và nó cù. Tôi rên lên khe khẽ:
- Mày đừng làm cái trò đó ở đây. Không phải lúc đâu. Dừng lại!
Nhưng con ma đáng ghét ấy không dừng lại. Nó khiến tôi lăn đùng lên một ngôi mộ được xây xi-măng có mái vòm khá đẹp. Đúng là một sự tra tấn dã man!
Cái trò cù vào cổ tôi của thằng ma Hải Phi thật không đúng chỗ tẹo nào. Phen này thì đúng là tôi chết thật rồi. Nó khiến tôi cười lăn lộn giữa một tang lễ trang nghiêm, trịnh trọng như thế này.
Tôi cười lăn cười lóc, cười tới mức chảy cả nước mắt, cười tới mức sặc đến mấy lần. Rồi tôi thấy đôi chân của những người đi đưa ma đứng trước mặt tôi, sừng sững như những hàng cây ở trong rừng. Bỗng nhiên mọi chuyện chấm dứt. Nó không cù tôi nữa. Mọi chuyện diễn ra đột ngột hệt như một cơn giông ào đến quét tung tất cả mọi thứ rồi tan biến thật nhanh. Những người mặc đồ đen cho đám tang nhìn tôi với nét mặt hầm hầm. Tất cả mọi người đều rất tức giận. Không có ai cười ở chỗ tang lễ bao giờ cả.
- Đồ quỉ con!
Cha sứ lắc đầu và mắng tôi.
Có người khác lên tiếng ngay sau đó.
- Đúng là một thằng bé nghịch ngợm và láo lếu.
- Đánh cho nó một trận cho nó chừa thói hỗn xược đi. - Thôi tha cho nó. Chúng ta đang làm lễ tang mà.
Nói thế nhưng có một người đàn ông cao lớn tiến đến và túm lấy tôi. Tôi co người lại, giãy giụa, níu kéo và vùng chạy. Vài người đuổi theo tôi. Tôi chạy bán sống bán chết và cuối cùng họ đành bỏ cuộc.
Thằng ma chết tiệt Hải Phi lẽo đẽo chạy theo tôi. Nó còn ngoắc ngón tay ra dấu cho tôi nữa. Tôi thờ dài.
- Mày định cù tao cho tới khi nào tao chịu đi theo mày, có phải không? Thằng ma láu cá ấy gật đầu. Tôi giơ cả hai tay lên đầu.
- Thôi được. Mày thắng rồi đấy! Bây giờ mày muốn tao đi đâu thì dẫn đường đi. Dù không muốn nhưng tôi đành đi theo nó. Bởi nếu không nó sẽ còn tiếp tục cù tôi, lại vào chính những lúc mà tôi không nên nhe răng ra cười. Nó đã làm tôi điêu đứng từ đêm qua tới giờ.
Nó đi trước dẫn đường. Tôi ngạc nhiên khi thấy nó đi về nhà, vòng ra phía sau để vào nhà kho. Nó chỉ vào cái xẻng. Tôi ngạc nhiên hỏi nó.
- Mày muốn tao cầm cái xẻng này theo hả?
Nó gật đầu và tôi hiểu ra rằng bàn tay trong suốt, gầy guộc và nhẹ tựa lông hồng của nó không thể cầm nổi bất cứ vật gì. Và nó cần một người để làm việc đó. Tôi vác xẻng và đi theo nó vào trong khu rừng nhỏ bên cạnh nghĩa địa. Tới một bãi đất sâu trong rừng, nơi có chút ánh sáng rọi xuống qua khe hở của những tán cây thì nó dừng lại và chỉ xuống đất. Tôi bắt đầu đào mà không cần hỏi xem đấy có phải là ý muốn của nó không.
Khoảng gần hai tiếng sau thì cái xẻng của tôi chạm vào một cái gì đó. Tôi moi lên. Đó là một cái bọc, bên trong là một cái hộp bằng da màu đen đã khá cũ. Vẫn cái gương mặt đau khổ, buồn rười rượi ấy, thằng ma Hải Phi gật đầu. Hình như nó giống như những người dân ở dây, không thể cười được thì phải. Cho dù chỉ là một cái cười mỉm. Nó để ngón tay lên miệng và thổi một hơi. Tôi đoán thế vì tôi không nghe thấy tiếng huýt sáo nào cả. Có thể là vừa rồi nó huýt sáo nhưng không thành tiếng. Kiểu huýt sáo của ma!
Rồi nó ngồi xuống cạnh tôi, vẻ chờ đợi. Một lúc sau có thêm hai con ma nữa đi tới. Hai con ma bé bỏng nhếch nhác hệt những đứa bụi đời. Chúng cũng có khuôn mặt đau khổ và rầu rĩ giống hệt thằng ma Hải Phi. Tôi không còn ngạc nhiên về điều này nữa. Cả cái thị trấn này có ai cười đâu kia chứ. Là ma có buồn bã hơn cũng khác gì những người đang sống ở đây đâu.
Thằng ma đã hành hạ tôi bàng cái trò cù quái đản ấy chỉ vào cái hộp và ra hiệu cho tôi mở ra. Tôi mở cải hộp ra. Trên nấp hộp phía bên trong có đề dòng chữ được mạ vàng “Bàn tay ma thuật bí hiểm”.
Cái hộp chất đầy bông. Tôi thò tay vào đống bông tìm kiếm và lôi ra được bốn cái chai nhỏ màu xanh. Ba cái chai có dán nhãn và có đề chữ. Mỗi cái nhãn mác đó có một dòng chữ ngắn gọn.
Chai thứ nhất đề: Cười mỉm
Chai thứ hai đề: Cười khoái trá
Chai thứ ba đề: Cười tủm tỉm
Chai thứ tư không đề dòng chữ nào hết.
Tôi rất ngạc nhiên nhưng không hiểu vì sao chủ nhân của chiếc hộp này lại không đề gì ở cái chai thứ tư. Tôi thấy ngón tay của thằng ma Hải Phi lại ngoắc ngoắc.
Tôi làm theo ý muốn của nó. Mở chai thứ nhất! Không có chuyện gì xảy ra. Một lúc sau nghe thấy có tiếng xì xì, tiếng xào xạc lạ lùng rói một cụm khói bay ra khỏi cái chai. Cụm khói biến thành một
vòng xoáy bay lên cao ngân lên thành tiếng nghe cũng hết sức kỳ lạ và rồi đột nhiên vòng khói ấy bay đến chỗ con ma đứng gần nhất và chui tọt vào trong miệng của nó. Bộ mặt buồn bã, rầu rĩ của nó bỗng nhiên biến mất và trên gương mặt của nó hiện lên một nụ cười mỉm.
Tôi mở nút chai thứ hai với sự tò mò. Lại một tiếng xì xì, tiếng xào xạc lạ lùng rồi một cụm khói bay ra. Cụm khói biến thành vòng xoáy, ngân lên những tiếng kỳ lạ rồi bay tới con ma nhếch nhác thứ hai. Lần này cụm khói ấy chui tọt vào tai của con ma nhỏ và ngay lập tức bộ mặt đau khổ, sầu não của nó biến mất. Bộ mặt của nó biến đổi hẳn. Nó cười một cách khoái trá. Tôi chưa từng thấy ai cười hả hê sung sướng như nó.
Chai thứ ba với dòng chữ “cười tủm tỉm” cũng diễn ra y hệt như hai chai trước. Tôi vừa mở nút ra là có tiếng xì xì, tiếng xào xạc lạ lùng và rồi một cụm khói bay ra. Nó cuốn thành vòng xoáy, ngân lên những tiếng kỳ lạ rồi sau đó chui vào lỗ tai trái của thằng ma nhỏ Hải Phi. Ngay lập tức, bộ mặt đau khổ buồn rười rượi của nó biến mất. Nó đứng và cười tủm tỉm một mình.
Tôi đứng ngắm nhìn cả ba đứa. Chúng nó có vẻ vui thích, hả hê lắm lắm. Tôi nhìn mấy cái chai và chợt hiểu ra tất cả. Cái ông được mệnh danh là “Bàn tay ma thuật bí hiểm” hay mọi người còn gọi ông ta là thầy phù thủy đã chết trong căn phòng của tôi ấy, chính ông ta đã ăn cắp niềm vui, nụ cười của mấy con ma nhỏ. Ông ta giấu nụ cười của chúng trong những cái chai nhỏ này và biết chắc rằng với hình hài và sức lực của những con ma thì chúng sẽ không thể nào đào cái hộp lên được.l
Tôi buột miệng nói lên suy nghĩ của mình.
- Ông ta đã lầm! Bây giờ các cậu đã lấy lại nụ cười của mình rồi.
Ba con ma nhín tôi và gật đầu với những nụ cười vô cùng sảng khoái và vui mừng. Tôi giơ cho chúng thấy cái chai cuối cùng không có dán nhãn mác cũng không đề bất cứ một chữ nào.
- Cầm lấy này!
Chúng lắc đầu. Tôi nhíu mày hỏi lại.
- Tao phải làm gì với cái chai này đây? Chúng là của ai mới được chứ?
Thằng ma nhỏ Hải Phi liền chắp hai tay lại với nhau và áp vào má, điệu bộ như
người đang ngủ.
- Của một người chết hả?
Nó lắc đầu. Tôi nhăn trán.
- Của một linh hồn đã chết?
Nó gật đầu với vẻ vui mừng khiến tôi ngạc nhiên. - Linh hồn mà còn chết được sao?
Cả ba đứa cùng gật đầu. Song, không để cho tôi kịp ngạc nhiên chúng từ từ nhập vào nhau và tạo một vòng xoáy. Vòng xoáy mỗi lúc một mờ dần và rồi tan biến mất. Tôi biết là từ nay tôi sẽ không bao giờ gặp lại những con ma nhỏ bé này nữa. Tôi lê gót về nhà. Tôi đã thoát được thằng ma Hải Phi nhưng ngày mai tôi sẽ bị quở phạt khi đến trường.
Mẹ đang chờ tôi ở trước cửa nhà. Nhìn gương mặt của mẹ, tôi biết là mẹ đã biết tất cả. Những việc đã diễn ra ở trường. Và tôi sẽ phải chịu hình phạt do mẹ đưa ra.
Ở trường mọi việc còn tồi tệ hơn tôi tưởng. Cả trường tề tựu đông đủ. Tôi bị gọi lên trên bục và đứng trước hàng trăm cặp mắt của những đứa học cùng trường.
Cô Hoa Quỳnh nói bằng giọng lạnh lùng.
- Trò Hải Thiên đã phụ lòng tin của tất cả chúng ta. Đã trốn khỏi lớp học, đã cười cợt đùa nhả tại một đám tang, đã đập vỡ chậu hoa mang giá trị tinh thần rất cao của tôi, đã làm chết cả một cây hoa đẹp, và còn dám dòi đuổi cô Lê Mai - cô giáo nề nếp của trường. Điều tệ hơn nữa là trò này còn có một thói xấu. Đấy là nói dối! Nói dối như Cuội!
Tất cả mọi người đều nhìn tôi chằm chằm. Các thầy cô giáo, học sinh đều dồn mắt về phía tôi. Tôi thấy xây xẩm mặt mũi, mắt hoa cả lên. Thật là không công bằng. Tôi không cố ý làm tất cả những việc ấy. Là do tôi bị cù mà thôi.
Tôi gào lên:
- Đó là con ma. Một con ma buồn bã đã cù em.
Tôi rút cái chai màu xanh ở trong túi ra và vung lên cao trong khi nói rất to để mọi người đều có thể nghe thấy.
Nụ cười của nó bị đánh cắp và chôn ở trong cái chai này. Em đã tìm thấy cái chai và trả lại cho nó nụ cười.
Cô Hoa Quỳnh cau mày. Gương mặt cô lúc này trông khó chịu và đầy sự tức giận. Cô quát lên:
- Đủ lắm rồi! Im miệng lại ngay!
Hình như chưa hết cơn tức giận, cô còn giật luôn cả cái chai trong tay tôi và ném xuống dưới đất. Cái chai vỡ tan. Cả trường im phắc.
Bỗng có tiếng xì xì, tiếng xì xào lạ lùng vang lên. Rồi một cụm khói bốc lên tạo thành một vòng tròn, phát ra tiếng ngân nga kỳ lạ rồi chui tọt vào lỗ mũi của cô Hoa Quỳnh đúng lúc cô đang lên tiếng nói trong cơn giận giữ của mình.
- Hình phạt xứng đáng với trò này là...
Nói chưa hết câu bỗng nhiên cô nín thinh. Gương mặt cau có, hằm hằm với hai hàng lông mày dính sát vào nhau đầy khó chịu bỗng nhiên giãn ra. Lông mày trở lại vị trí của mình, tạo thành hai đường cong mảnh mai dịu dàng tô điểm cho khuôn mặt còn đọng đầy vẻ đẹp của cô Hoa Quỳnh. Môi cô từ từ hé mở và tạo thành một nụ cười hệt một đóa hoa.
Cô Hoa Quỳnh mỉm cười. Nụ cười bị nhốt trong chai giờ đã tìm được chỗ ở mới của mình. Cô nhìn tôi với nụ cười rạng rỡ, độ lượng.
- Không có hình phạt nào cho một trò ngoan như em.
Tôi đi về chỗ của mình ở phía sau. Và hình như cột khói vừa chui ra từ hai lỗ tai của cô Hoa Quỳnh và bỗng xoáy tròn, mỗi lúc một lớn dần và bao trùm cả khoảng không gian của trường. Cột khói lan tỏa tới đâu, chạm vào ai, người đó đều nở nụ cười vui vẻ hạnh phúc.
Từ đó trở đi tôi thấy người dân ở thị trấn hiền hòa và luôn mỉm cười. Cả cái chú Hoan bạn của mẹ tôi cũng thế. Chú là bạn thân của bố mẹ tôi từ hồi nhỏ. Và chú cũng chính là bố của con nhỏ Hoán Vân dễ ghét. Tuy nó đã không còn kiếm chuyện để chọc phá tôi nữa nhưng tôi vẫn chưa thấy nó dễ thương tẹo nào.
Còn người được mệnh danh là “Bàn tay ma thuật bí hiểm” có lẽ đã phải trả giá đắt cho việc làm của mình là khiến cả thị trấn này và những con ma nhỏ không có nụ cười trong cả thời gian dài. Ông ta đã chết mà không thể nhắm mắt được. Và hôm chôn cất ông ta, trời đang nắng mà có tia sét xẹt ngang bầu trời. Quan tài của ông ta bị sét đánh cho cháy mất một góc ở giữa, làm rụng một bàn tay của ông ta khiến mọi người phải tức tốc thay một cái quan tài mới. Đó là hình phạt cho kẻ có dã tâm. Chính con nhỏ Hoán Vân đã kể cho tôi nghe chuyện đó.
 truyen hay

Facebook Google twitter
Từ khóa:
Cùng Chuyên Mục
Blogger Comments
Facebook Comments

Tin Tức Online
Xem Thêm Tất Cả »
Góc Chia Sẻ
Xem Thêm Tất Cả »
Game - Ứng Dụng Hay Tháng 8
Xem Thêm Tất Cả »
Góc Thư Giản
Xem Thêm Tất Cả »
Bài Viết Ngẫu Nhiên
Copyright © 2016 - All Rights Reserved
Template by Bùi Đạt - Powered by Blogger | SiteMap